Bát nghĩa là tám, Chánh nghĩa là đúng đắn, Đạo nghĩa là con đường; vậy thì Bát Chánh Đạo nghĩa là Tám Con Đường Đúng Đắn.
Chào các anh chị, các anh chị có nhớ kì vừa rồi tôi nói về đề tài gì không; tôi nhắc nhé; kì vừa rồi, tôi nói về Tứ Diệu Đế, tức là Bốn Chân Lí Huyền Diệu, giáo lí căn bản trong hệ thống giáo lí nhà Phật; và trong đó, tôi có nói đến ba chữ Bát Chánh Đạo (Bát Chính Đạo) trong Chân Lí thứ tư là Đạo Đế; vậy thì, hôm nay tôi sẽ nói cho các anh chị nghe về Bát Chánh Đạo nhé.
Trong Bốn Chân Lí Huyền Diệu là Sự Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Diệt Được Khổ và Cách Diệt Khổ; thì Chân Lí thứ tư, Đạo Đế, tức Cách Diệt Khổ, chính là phương pháp diệt khổ, gồm tám con đường đúng đắn, gọi là Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo nghĩa là gì; nói một cách dễ hiểu thì; Bát nghĩa là tám, Chánh nghĩa là đúng đắn, Đạo nghĩa là con đường; vậy thì Bát Chánh Đạo nghĩa là Tám Con Đường Đúng Đắn; tám con đường này chính là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.
Tám Con Đường Đúng Đắn này mang ý nghĩa vi diệu; mục đích là giúp chúng sanh hướng đến đời sống cao thượng hạnh phúc; đưa chúng sanh đến đời sống an lạc giải thoát, tiến đến địa vị giác ngộ; cao hơn nữa là đến với Niết Bàn, Phật Quả.
Con đường thứ nhất là Chánh Kiến; về mặt ngôn ngữ thì Chánh là đúng đắn, Kiến là hiểu biết; vậy Chánh Kiến nghĩa là hiểu biết đúng đắn; hiểu biết đúng đắn là hiểu rằng sự vật trên thế gian đều do nhân duyên sanh, là vô thường, là khổ, luôn thay đổi để rồi sẽ bị tan diệt; khi đó, chúng ta hiểu về Nhân Quả và Nghiệp Báo, để mà hành động cho đúng đắn.
Con đường thứ hai là Chánh Tư Duy; Chánh là đúng đắn, Tư Duy là suy nghĩ; vậy Chánh Tư Duy là suy nghĩ đúng đắn, hợp lẽ phải, có lợi cho mình và cho người; suy nghĩ đúng đắn là suy nghĩ và hiểu ra nguyên nhân đau khổ của chúng sanh, ở đó vô minh là nguồn gốc của tội lỗi; từ đó, tu tập để tìm sự giải thoát cho mình và cho người.
Con đường thứ ba là Chánh Ngữ; trong đó, Chánh là đúng đắn, Ngữ là lời nói; vậy Chánh Ngữ là lời nói đúng đắn; lời nói đúng đắn thì chân thật, không hư dối; có lợi ích chính đáng, công bình, ngay thẳng, hợp lí; không làm tổn hại đến đời sống và danh dự của người khác.
Con đường thứ tư là Chánh Nghiệp; Chánh là đúng đắn, Nghiệp là hành động; Chánh Nghiệp nghĩa là hành động đúng đắn; hành động đúng đắn là hành động theo lẽ phải, có lương tâm, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người mọi loài; không tổn hại đến nghề nghiệp, tài sản, danh dự và địa vị của người khác.
Con đường thứ năm là Chánh Mạng; Chánh là đúng đắn, Mạng là sống; Chánh Mạng là sống đúng đắn; sống đúng đắn là sống bằng khả năng và nghề nghiệp lương thiện chính đáng, không bóc lột xâm hại đến lợi ích của người khác.
Con đường thứ sáu là Chánh Tinh Tấn; Chánh là đúng đắn, Tinh Tấn là siêng năng; siêng năng đúng đắn là xa rời việc ác, đến gần việc lành, trau dồi phước đức và trí tuệ, tiến đến mục đích và lí tưởng đúng đắn, làm việc chính đáng mang lợi ích cho mình và cho người.
Con đường thứ bảy là Chánh Niệm; Chánh là đúng đắn, Niệm là ghi nhớ; Chánh Niệm là ghi nhớ đúng đắn; ghi nhớ đúng đắn là ghi nhớ lỗi lầm cũ để không tái phạm; ghi nhớ nỗi khổ của người khác để mà thương xót và giúp đỡ; ghi nhớ về những điều tốt đẹp để hành động; ghi nhớ điều chân lí để tu tập và giải thoát.
Con đường thứ tám là Chánh Định; Chánh là đúng đắn, Định là thiền định; Chánh Định nghĩa là thiền định đúng đắn; thiền định đúng đắn là tập trung tư tưởng vào vấn đề chính đáng, đúng chân lí, lợi mình và lợi người.
Các anh chị thấy đấy; khi chúng ta gặp chuyện bất trắc, chúng ta thường cầu nguyện van xin; nào là tổ tiên ông bà, Thánh Thần Thiên Địa, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bồ Tát Phật Tổ…; xin từ bi gia hộ, thương xót cứu giúp; để được bình yên, tai qua nạn khỏi.
Việc cầu nguyện chỉ giúp chúng ta an tâm trong giây phút ấy; có mấy ai cầu gì được nấy đâu; cầu nguyện không được đáp ứng thì nghĩ rằng tổ tiên ông bà, Thánh Thần Thiên Địa, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bồ Tát Phật Tổ… không hiển linh, không từ bi bác ái.
Chúng ta chỉ nên cầu nguyện điều tốt lành một cách vị tha và từ tâm; ví dụ như cầu nguyện cho thế giới hòa bình, quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, chúng sanh an lạc; ví dụ như cầu nguyện cho ông bà cha mẹ được mạnh khỏe bình yên, sống lâu trăm tuổi; còn được hay không là tùy phước duyên của mỗi người được cầu nguyện nữa; việc chúng ta cầu nguyện đã nói lên lòng hiếu thảo và nhân từ của chúng ta.
Con người là loài chúng sinh cao cấp nhất vì có học hỏi, biết suy nghĩ, xem xét, chiêm nghiệm; nếu ta sống không có tình cảm thì không phải là con người; nếu không yêu thương, hiếu thảo, vui vẻ với gia đình; thì sẽ khó mà yêu thương muôn loài.
Chúng ta hay phàn nàn rằng; trời thương người này hơn người kia, cho người này sướng hơn người kia, cho người này khỏe mạnh hơn người kia, sao người này giàu sang mà người kia nghèo khó, sao dân tộc này hạnh phúc mà dân tộc kia lầm than; sở dĩ người này khác người kia là bởi vì tạo Nhân nào thì nhận Quả nấy thôi các anh chị; người làm bánh thì ăn bánh, người nấu chè thì ăn chè; ai làm nấy hưởng; ai gây nấy chịu.
Cho nên, khi bị mất mát vật chất quí giá đến đâu, thậm chí khi người thân qua đời, chúng ta cũng không nên đau buồn quá; khi gặp bất trắc, thậm chí tán gia bại sản, thân thành thù, chúng ta cũng không nên phiền não quá; chuyền gì rồi cũng qua, không có gì tồn tại mãi; cho nên đừng cố chấp hơn thua; mạng sống không giữ được thì thứ gì còn mãi chứ; đời vô thường mà.
Chúng ta thấy đời khổ nhiều vui ít, nhưng không nên nghĩ tiêu cực và bi quan, không nên ngán ngẩm chán chường; không nên thụ động chấp nhận và chỉ biết cầu nguyện van xin; mà phải tích cực tìm phương cách để giác ngộ giải thoát.
Muốn thoát khổ phải thoát sự vô minh; Đức Phật đã giương cao ngọn đuốc dẫn dắt chúng sinh khỏi nơi tăm tối vô minh bằng Bát Chánh Đạo; mỗi người con Phật chúng ta nói riêng và mỗi chúng sinh trên thế gian này nói chung nên hiểu làm theo, để tìm cho bản thân mình sự hạnh phúc; ngoài việc thờ phượng vị Phật nào hay vị Bồ Tát nào, mỗi chúng ta phải sống theo tinh thần Bát Chánh Đạo; như vậy mới thật sự được an lạc hạnh phúc, giác ngộ giải thoát.
Tu tập Bát Chánh Đạo chính là tu tập Thân, Khẩu và Ý; Bát Chánh Đạo luôn liên kết, hỗ trợ chặt chẽ cho nhau; luôn có một vị trí vô cùng quan trọng, là những con đường chân lí của mọi tôn phái trong đạo Phật, là pháp môn quan trọng nhất cho mọi người tu tập để chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành tỉnh.
Bát Chánh Đạo chính là con đường giúp chúng ta thanh lọc tư tưởng, chuyển hóa tâm phiền muộn khổ đau thành an lạc hạnh phúc; chúng ta áp dụng pháp môn này để quay lại chính mình mà thanh lọc thân tâm; mọi gốc rễ tham lam, sân giận, si mê đều được chuyển hóa.
Chúng ta cần tu tập Bát Chánh Đạo để thấy được giá trị đích thực của hòa bình và an lạc; thấy được tội ác và khổ đau do chiến tranh gây ra; từ đó, nỗ lực tu tập để thanh tâm, loại trừ tư tưởng tham lam, tranh giành của cải tài nguyên; dứt bỏ ý niệm chia rẽ, hận thù và gian ác; giúp nhân loại yêu thương nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Chúng ta cần thấy rằng; tham sân si chỉ làm chúng ta khổ đau; chúng ta phải quay về tự thân để hiểu nội tâm; phải ý thức rằng, trong mỗi con người chúng ta đều chứa đựng lòng từ bi nhân ái bên cạnh dục vọng si mê; để rồi tu tập để lòng từ bi nhân ái lớn lên, nỗi tham sân si sẽ dần biến mất; dục vọng si mê đã che lấp tình thương và trí tuệ của chúng ta; chúng ta cần phải tranh đấu để chuyển hóa, diệt trừ si mê, tham muốn quá đáng; để rồi nuôi dưỡng trí tuệ và tình thương; thì con người mới có thể đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau bằng tinh thần vô ngã vị tha.
Nếu vô minh là Nhân của khổ đau, hạnh phúc là Quả của sự hiểu biết chân chính nhờ có trí tuệ; thì con người cần phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, để được sống bình an hạnh phúc; giống như khi mặt trời trí tuệ xuất hiện thì bóng tối vô minh biến mất, hạnh phúc hay khổ đau cũng vậy; kết quả của mọi việc là từ sự hiểu biết và tu tập; tâm nhiều giận hờn thì hành động sẽ hung dữ; tâm an lạc thanh tịnh thì thực hiện mọi việc sẽ nhẹ nhàng và nhân ái.
Chúng ta càng tu tập thì lòng nhân ái sẽ phát triển; hạnh phúc trên đời đều bắt đầu từ tình thương của con người; là điều quan trọng không những đối với đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân, mà còn có thể định đoạt sự an nguy của xã hội.
Gia đình là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc của con người, cho nên mỗi cá nhân trong gia đình phải ý thức trách nhiệm và bổn phận, để xây dựng nên những con người bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Không ai có quyền bắt người khác phục tùng ý muốn và sở thích của mình; cho nên, cha mẹ trong gia đình không nên chỉ biết lo kiếm tiền và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con cái mà không hề quan tâm dạy bảo, bởi vì sẽ khiến con cái thất bại.
Giáo dục học đường cũng rất quan trọng; nếu thầy cô chỉ dạy học để kiếm tiền, thì sẽ không làm hiển lộ và phát triển tài năng của học trò; cha mẹ phải biết quan tâm, chăm sóc con cái bằng tình thương yêu chân thật, chứ không phải bằng uy quyền hay nuông chiều quá đáng.
Chúng ta cũng nên có thái độ cởi mở, tránh làm tổn hại người và vật khác; phải có lòng bao dung tha thứ để biết cảm thông cho người và vật khác; bởi vì “họ” đang vướng Nghiệp Quả.
Đối với người hay sự việc nào đó, chúng ta đừng nên quá cứng nhắc hoặc quá dễ dãi; nên xử lí mọi việc một cách trí huệ, với tình thương yêu, cảm thông tha thứ và bao dung độ lượng; bởi vì, sống đạo đức mà gây căng thẳng khổ đau, thì không phải là đạo đức chân thật, mà là cố chấp quá đáng.
Đối với người hay sự việc nào đó; cần tìm hiểu nguồn cơn, quan niệm, sở thích; để mà thông cảm yêu thương, hòa hợp vun bồi; nếu không, sẽ bị kích động bởi lòng ganh ghét tật đố, oán hận thù hằn; từ đó gây ra chiến tranh tàn sát, giết hại lẫn nhau.
Con cái phải thương yêu kính trọng, ghi nhớ công lao sinh dưỡng nuôi nấng dạy dỗ của cha mẹ; đừng giận dỗi trách móc khi cha mẹ chưa hiểu mình; phải trao đổi trình bày thẳng thắn để tìm tiếng nói chung; từ đó cảm thông, chia sẻ và yêu thương.
Trong môi trường gia đình, trường học và xã hội; ai cũng nên học hiểu và áp dụng giáo lí Bát Chánh Đạo để có được sự hiểu biết chân chính, suy nghĩ đúng đắn, hành động lợi ích, nghề nghiệp chân chính, không làm tổn hại đối phương, tâm hồn trong sáng…; từ đó, tạo nên đời sống tốt đẹp cho chính mình và đóng góp cho xã hội ngày càng có văn hóa và đạo đức.
Rộng hơn gia đình là quốc gia, rộng hơn quốc gia là thế giới; có thể thấy, nhân loại càng lúc càng hướng theo tiện nghi vật chất; khiến họ không có thời gian quay lại chính mình mà sống với tâm thanh tịnh sáng suốt; trở nên tham lam, ích kỉ, sân giận, si mê, chấp ngã, muốn chiếm hữu; gây ra lo lắng, sợ hãi, khủng hoảng vật chất lẫn tinh thần; gây ra chiến tranh, bạo động, thù hằn; đã đến lúc, nhân loại cần quay về với Bát Chánh Đạo, để tìm sự an lạc cho tâm hồn, khiến thế giới giàu đẹp, bình yên và hạnh phúc!
Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.
Huỳnh Uy Dũng
Pháp danh Tuệ Phước
Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!
Nhận xét/ Bình luận