Tứ tức là bốn; Diệu tức là huyền diệu; và Đế, tức là chân lí; vậy thì, Tứ Diệu Đế tức là Bốn Chân Lí Huyền Diệu!
Hôm nay tôi nói cho các anh chị nghe về ba chữ Tứ Diệu Đế. Tôi chắc rằng chúng ta thường thích nghe những chuyện đơn giản và hấp dẫn, không thích nghe những chuyện phức tạp và khô khan.
Có lẽ đối với người mới lần đầu nghe ba chữ Tứ Diệu Đế, sẽ cảm thấy khó hiểu và có phần khô khan; nhưng các anh chị ơi, đối với người theo Đạo Phật nói riêng và đối với loài người nói chung, đây chính là những điều cần nghe, cần hiểu và cần ghi nhớ nhất!
Vậy thì chúng ta tiếp tục nhé. Đầu tiên, tôi muốn giải thích ba chữ Tứ Diệu Đế một cách thật dễ hiểu và hợp lí.
Vâng; Tứ tức là bốn; Diệu tức là huyền diệu; và Đế, tức là chân lí; vậy thì, Tứ Diệu Đế tức là Bốn Chân Lí Huyền Diệu!
Các anh chị có nhớ trong bài nói chuyện về Luật Nhân Quả vừa rồi, tôi có nhắc đến việc Đức Phật đã từ bỏ cuộc sống vương giả và vợ đẹp con xinh để đi tìm chân lí của vũ trụ, của sự già-bệnh-chết-khổ; rồi dạy cho chúng sinh phương pháp mà để từ đó, hiểu rõ nỗi đau của già-bệnh-chết-khổ; và từ đó, tu hành để vượt qua.
Tôi xin nói thêm; rằng, sau sáu năm ròng tu hành và thiền định dưới cội Bồ Đề trong 49 ngày, ngày 8 tháng 12 âm lịch của năm 589 trước Công nguyên, ở tuổi 35, Đức Phật, lúc đó là Đạo Sĩ Cù Đàm, đã đạt tới cảnh giới giác ngộ.
Khi đó, tâm Ngài lắng trong thanh tịnh, Ngài thấu tỏ hết mọi lẽ của vũ trụ và diệt trừ hoàn toàn đau khổ, trở thành Phật Toàn Giác, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với mười danh hiệu:
Thứ nhất là Như Lai; nghĩa là “Người đã đến như thế”, “Người đã đến từ cõi Chân Như”; tuệ giác của Ngài như mặt trời soi sáng khắp thế gian, xóa tan đêm tối vô minh.
Thứ hai là Ứng Cúng; nghĩa là “Người đáng được cúng dường”, đáng được tôn kính.
Thứ ba là Chính Biến Tri; nghĩa là “Người hiểu biết đúng tất cả các pháp”.
Thứ tư là Minh Hạnh Túc; nghĩa là “Người có đủ trí huệ và đức hạnh”, có đủ Tam Minh là Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh; và Ngũ Hạnh là Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, Anh Nhi Hạnh và Bệnh Hạnh.
Thứ năm là Thiện Thệ; nghĩa là “Người đã đi một cách tốt đẹp”.
Thứ sáu là Thế Gian Giải; nghĩa là “Người đã thấu hiểu thế giới”.
Thứ bảy là Vô Thượng Sĩ; nghĩa là “Bậc tu hành tối cao, không ai vượt qua”.
Thứ tám là Điều Ngự Trượng Phu; nghĩa là “Người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại”, có khả năng điều phục những người hiền và ngự phục những kẻ ác theo về chính đạo.
Thứ chín là Thiên Nhân Sư; nghĩa là “Bậc thầy của cõi người và cõi trời”.
Thứ mười là Thế Tôn; nghĩa là “Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính”.
Sau khi hoàn lại sinh lực từ việc từ bỏ cách tu khổ hạnh vô ích; Đức Phật đã giải thoát khỏi tư tưởng tham ái, bất thiện; đạt được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền; nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm.
Khi tâm Ngài an tịnh thanh lọc; không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động; Ngài hướng nó về những kí ức và nhận thức về mọi kiếp.
Sau đó, Ngài chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh, thấy chúng sinh tái sinh theo Nghiệp Lực; nghĩa là; chúng sinh nào tạo Nghiệp Bất Thiện qua ba ải Thân Khẩu Ý, thì sau khi chết sẽ tái sinh trong đọa xứ, địa ngục; chúng sinh nào tạo Thiện Nghiệp bằng Thân Khẩu Ý, thì sẽ tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi trời.
Sau đó Ngài thấy ra sự tiêu diệt các lậu; Ngài thấy ra Sự Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Diệt Được Khổ, Cách Diệt Khổ; lúc này, tâm Ngài thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh; Ngài hiểu rằng Ngài đã đoạn tuyệt sự tái sinh, cuộc sống tu tập đã hoàn tất, hoàn thành những gì phải làm, vượt qua cuộc sống khổ đau.
Ngài biết rằng kinh nghiệm giác ngộ của Ngài không thể dùng ngôn từ hay phương cách để truyền đạt; bởi Ngài thấy chúng sinh đã bị áp đảo bởi vô minh, tham lam và thù hận; nên chi, họ rất khó nhận ra con đường giác ngộ, vốn sâu sắc và khó hiểu.
Thế rồi, Đức Phật ngồi yên lặng, quán chiếu cái tâm của chúng sinh dưới cội Bồ Đề một thời gian.
Cuối cùng, với lòng thương yêu chúng sinh; Đức Phật chấm dứt sự yên lặng, quyết định Chuyển Pháp Luân; dựa vào căn cơ của chúng sinh để thuyết Pháp cứu độ, hướng dẫn chúng sinh thoát khỏi con đường khổ đau. Đức Phật bắt đầu giảng Pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát; trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, Đức Phật đã giảng Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo, Vô Ngã, Vô Thường, Luân Hồi, Duyên Khởi, Luật Nhân Quả và nhiều bài Pháp khác, phù hợp căn cơ mọi chúng sinh.
Lần này, tôi sẽ nói về ý nghĩa bài Pháp đầu tiên của Đức Phật; như tôi đã giải thích phía trên, đó là Bốn Chân Lí Huyền Diệu về Sự Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Diệt Được Khổ và Cách Diệt Khổ.
Bốn Chân Lí Huyền Diệu này đã trở thành cốt lõi, nền tảng của hệ thống giáo lí trong Đạo Phật; cũng là bài Pháp đầu tiên và xuyên suốt 49 năm Hoằng Pháp của Đức Phật; Ngài đã thuyết giảng với chúng sinh hữu duyên; vì đây là con đường chân lí giúp chúng sinh hiểu thấu sự khổ và đưa chúng sinh thoát khổ.
Chân Lí Huyền Diệu thứ nhất là gọi là Khổ Đế, tức là Sự Khổ; các anh chị sống tới chừng này tuổi, chắc chắn thấy rằng cuộc đời vốn khổ; bởi vì dù giàu có như vua hay nghèo khổ như ăn mày đều bị khổ; bởi vì, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, người giàu có nỗi khổ của người giàu; cái khổ trong cuộc đời có thể chia làm tám loại, gọi là Bát Khổ.
Thứ nhất là Sinh Khổ; nghĩa là sinh ra đời là một nỗi khổ; đúng nhỉ; người mẹ mang thai nặng nề là khổ, lúc sinh con đau đớn là khổ, bào thai trong bụng mẹ hơn chín tháng khỏe hay yếu tùy thuộc vào mẹ là khổ; được sinh ra, gặp vô vàn rủi ro là khổ.
Thứ hai là Lão Khổ; nghĩa là già là khổ; đúng nhỉ; sống đến 60 tuổi trở lên; bắt đầu mắt mờ, răng rụng, tai điếc, da nhăn, lưng còng, gối mỏi, trí tuệ sa sút; là nỗi khổ ai cũng phải trải qua dù không muốn.
Thứ ba là Bệnh Khổ; nghĩa là bệnh tật, ốm đau là khổ; đúng nhỉ; bệnh thì đau đớn, mệt mỏi, rã rượi, chán đời; không ai muốn cả.
Thứ tư là Tử Khổ; nghĩa là mất đi thân mạng của mình là khổ; đúng nhỉ; vì chẳng ai muốn chết cả, mạng sống là rất quý; chết là một sự thật ai cũng phải trải qua, nhưng hiếm ai chấp nhận bởi ai cũng sợ chết; đó chính là khổ.
Thứ năm là Ái Biệt Li Khổ; nghĩa là thương ai mà phải lìa xa là khổ; đúng nhỉ; người mình yêu thương quý mến mà phải xa lìa là khổ; ví dụ như cha mẹ chia tay thì con cái khổ, bạn bè người thân vì hoàn cảnh phải lìa xa, là khổ.
Thứ sáu là Cầu Bất Đắc Khổ; nghĩa là muốn mà không được là khổ; đúng nhỉ; trong cuộc sống ai cũng có mong cầu, nào là điểm cao, nào là sức khỏe, nào là tình yêu, nào là danh vọng, nào là tiền bạc; mong cầu mà không được toại ý, là khổ.
Thứ bảy là Oán Tăng Hội Khổ; nghĩa là ghét nhau mà gặp mặt là khổ; đúng nhỉ; ghét của nào trời trao của ấy; không ưa mà cứ phải gặp mặt, là khổ.
Thứ tám là Ngũ Uẩn Xí Thạnh Khổ; nghĩa là nỗi khổ từ chính mình; đúng nhỉ; ai cũng có Ngũ Uẩn tức là năm trạng thái; gồm Sắc nghĩa là hình sắc, Thọ nghĩa là cảm xúc, Tưởng nghĩa là tưởng niệm, Hành nghĩa là tính toán, Đức nghĩa là nhớ đến; nếu một trong năm trạng thái này mà quá yếu hay quá mạnh; sẽ khiến người đó khổ; và cái Khổ này bao hàm bảy cái Khổ kia.
Chân Lí Huyền Diệu thứ hai là gọi là Tập Đế, tức là Nguyên Nhân Khổ; nguyên nhân khổ của con người là do sự vô minh của trí tuệ, do cái tâm ái dục tức là mê đắm dục vọng, bị sự ham muốn khống chế tâm trí mà gây nên chuyện.
Chân Lí Huyền Diệu thứ ba là gọi là Diệt Đế, tức là Diệt Được Khổ; đó là khi chúng ta đoạn trừ được hết mọi ái dục, đoạn trừ được sự vô minh; thì chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa, lúc đó chúng ta đạt đến trạng thái sung sướng, hạnh phúc tuyệt đối.
Chân Lí Huyền Diệu thứ tư là gọi là Đạo Đế, tức là Cách Diệt Khổ; đây chính là phương pháp diệt khổ, gồm tám con đường chân chính, gọi là Bát Chính Đạo.
Như vậy, với trí tuệ sáng suốt của bậc Toàn Giác, Đức Phật đã chỉ ra Bốn Chân Lí Huyền Diệu trong kiếp nhân sinh; là Sự Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Diệt Được Khổ và Cách Diệt Khổ.
Chúng sinh thường phán xét sự thật và sự giả, sự đúng và sự sai, dựa vào niềm tin cá nhân; có khi dựa vào văn hóa, truyền thống, và tín ngưỡng.
Khi Đức Phật giảng về Bốn Chân Lí Huyền Diệu, Ngài phân định dựa vào kinh nghiệm thiền định trong suốt sáu năm, và dựa vào thành tựu giác ngộ tỉnh thức của Ngài; rồi định nghĩa đâu là sự thật, đâu không phải là sự thật.
Khi Đức Phật giảng về Bốn Chân Lí Huyền Diệu, Ngài dạy chúng sinh cách đương đầu với nghịch cảnh và phương cách sống; đó là khi đối mặt với khó khăn hay thử thách, bước đầu tiên để đương đầu là chấp nhận nó.
Bởi vì, trong cuộc sống, chúng ta thường muốn mọi thứ phải hoàn hảo, mà điều đó thì không thể xảy ra; cuộc sống luôn có thử thách và khổ đau, luôn có những điều không thuận lợi diễn ra; và ta phải chấp nhận chúng.
Thấy người khác thành công mà ta chấp nhận thì ta sẽ được truyền cảm hứng; nếu ta không chấp nhận thì tâm ta sẽ sinh ra cảm giác ganh tị; giữa ganh tị và cảm hứng có ranh giới rất hẹp.
Trong cuộc sống, có nhiều chuyện tồi tệ xảy ra, có người làm những việc ta không thích; nếu ta chấp nhận thì đó là nhẫn nhịn, nếu ta không thể chấp nhận thì ta sẽ nổi giận; nhẫn nhịn hay nổi giận tùy thuộc vào việc ta có chấp nhận hoàn cảnh được hay không; Đức Phật dạy chúng ta phải chấp nhận sự có khổ đau và có nghịch cảnh hiện diện trong cuộc đời.
Để thoát khỏi khổ đau, trước hết ta phải hiểu rõ nguồn gốc của khổ đau thì mọi chuyện sẽ rất đơn giản, và chúng ta sẽ có thể thoát khỏi khổ đau một cách dễ dàng; nguyên nhân của khổ đau là ác nghiệp và phiền não.
Mọi thứ đều bất định, không ai có thể nói trước chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai; cuộc sống chính là một canh bạc lớn; đây cũng là một dạng khổ, gọi là hoại khổ.
Khi gặp nghịch cảnh và khổ đau, chúng ta cần hiểu rằng nó xảy đến cho tất cả chúng sinh, chứ không chỉ riêng ai; bởi vì, cõi Luân Hồi có bản chất là khổ; khi gặp khổ, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân của chúng, tìm ra rồi thì rất dễ để vượt qua.
Cách suy nghĩ của chúng ta quyết định tất cả; và đó là Đạo Đế, tức là Cách Diệt Khổ; nó bao gồm ba chuẩn mực đạo đức là Giới Luật tức là Ngũ Giới, Thiền Định tức là Hành Thiền, và Trí Tuệ tức là ứng dụng Trí Tuệ vào cuộc sống; chúng ta phải thực hành ba con đường này thật đúng đắn để vượt thoát khổ đau.
Tri Thức và Trí Tuệ là hai điều khác nhau; ta có thể trau dồi Tri Thức bằng cách thu thập thông tin ở trường học hay xã hội; còn Trí Tuệ thì chỉ có được qua sự phân tích của bản thân.
Chúng ta không nên trốn tránh sự thật khổ đau bằng cách khỏa lấp hay lãng quên; mà hãy can đảm nhận diện được nỗi khổ, tiếp xúc với nó để hiểu rõ cái đau thương mất mát, cái xót xa tủi hờn, cái căm giận oán thù; để từ đó thấy rõ nguyên nhân của Sự Khổ và Cách Diệt Khổ.
Con lạc đà hay con lừa phải chở hành lí nặng nề trên lưng chưa phải là khổ; mà ngu si không biết mình khổ, không biết có con đường thoát khổ mới là khổ; đó là do chưa tu tập; chúng sinh có hiểu biết và có tu tập, sẽ nhìn ra cái khổ và quán chiếu cái khổ; từ đó không còn sợ hãi và không còn ôm ấp niềm đau của mình.
Tất cả nỗi đau thương đều có nguyên nhân gốc rễ trong quá khứ và hiện tại; chúng ta cần quán chiếu xem mình đang sống thế nào, thấy nghe những gì, đang tiêu thụ thế nào, đời sống xã hội thế nào; để rồi nhìn ra nguyên nhân của nỗi khổ đè nặng lên kiếp người là hận thù, sợ hãi, đau buồn, tham lam, ích kỉ và hẹp hòi; và sẽ cảm thấy mình đang khổ đau hay hạnh phúc.
Khổ đau và hạnh phúc là hai mặt của một bàn tay, nó nương nhau mà tồn tại; như ánh sáng nương vào bóng tối để biểu hiện; nhìn ra bản thân đang khổ, khổ như thế nào, khổ vì cái gì, làm sao để hết khổ, làm được điều khiến mình hết khổ và không còn thấy khổ nữa; tức là đã học hiểu Bốn Chân Lí Huyền Diệu!
Và sau đây là bài Tứ Diệu Đế Ca, tức là bài ca về Bốn Chân Lí Huyền Diệu; tôi đọc cho các anh chị nghe nhé:
Nửa đêm vương tử xuất gia,
Ði tìm giác ngộ xa nhà thân thương.
Cam go gian khổ khó lường,
Dấn thân phía trước chẳng vương vấn tình.
Tìm ra cái lẽ vô minh,
Chúng sinh tăm tối gập ghềnh muôn phương.
Diệu vời thay bốn nẻo đường,
Soi ta thoát khỏi vô thường trần ai.
Soi ta thoát khỏi canh dài,
Vô Tri Vô Huệ miệt mài xác thân.
Tứ Diệu Đế rạng ngời chân lí,
Đưa chúng sinh rời khỏi lầm than.
Ân cao Đức Phật vô vàn,
Xin theo gương sáng đến ngàn mai sau.
Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.
Huỳnh Uy Dũng
Pháp danh Tuệ Phước
Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!
Nhận xét/ Bình luận