Góc nhìn

Luân hồi

Bài 11: Hạnh phúc của sự cho đi

Dù của người giàu hay người nghèo, dù của kẻ mạnh hay kẻ yếu, với lòng bao dung và từ bi, được đưa ra để mà nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh; thì với nhiều đôi bàn tay như thế, thế giới này sẽ trở nên xinh đẹp và tuyệt vời biết bao.                                         

Qua bài Thiện và Ác lần vừa rồi, chúng ta đã nói qua về chữ Thiện và chữ Ác, các anh chị thấy đấy, trong chữ Thiện bao gồm rất nhiều ý tứ, trong đó cũng có chứa đựng cái ý Cho Đi, và niềm hạnh phúc khi chúng ta Cho Đi. 

Ừ nhỉ! Đời người có là bao, nhưng trong vài chục năm ngắn ngủi ấy, ôi thôi vô vàn nỗi lo âu phiền não; từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, nghĩ xem chúng ta có được bao nhiêu phút giây thanh thản, kể chẳng hết những nỗi lo của một kiếp người; bởi vậy, rất cần những yêu thương sẻ chia, dù lớn lao vĩ đại hay bình dị nhỏ nhoi, đều thể hiện lòng nhân ái giữa người với người. 

Trao đi yêu thương, rồi nhận lại thương yêu; chính là một quy luật trong cuộc sống con người. Quy luật đó chính là luật Nhân Quả đó các anh chị; Chúng ta cho đi là chúng ta đang san sẻ giúp đỡ, đang thể hiện tình yêu thương tới đối tượng nhận, mà đối tượng đó có thể là con người, là con vật, là muôn loài…

Khi một bàn tay; dù của người giàu hay người nghèo, dù của kẻ mạnh hay kẻ yếu, với lòng bao dung và từ bi, được đưa ra để mà nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh; thì với nhiều đôi bàn tay như thế, thế giới này sẽ trở nên xinh đẹp và tuyệt vời biết bao. 

Đâu cứ phải cho đi là bị hao hụt bớt; cứ yên tâm đi; khi trao yêu thương, chúng ta sẽ nhận lại rất nhiều thứ; và những thứ đó không phải nhất thiết là vật chất; mà là sự an nhiên, sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn đó anh chị. 


Cho đi những thứ mình có đủ, trao đến tay người thiếu thốn, giống như trao niềm hạnh phúc; chúng ta sẽ thấy cuộc sống thật đẹp, thật thanh bình; có người cả đời làm thiện, họ cho đi rất nhiều nhưng tuyệt không mong nhận lại thứ gì, bởi bị họ đã nhận được sự nhẹ nhõm và bình an trong lòng. 

Và quan trọng là; ngoài những niềm hạnh phúc, bình an, thanh thản, nhẹ nhõm… trong lòng đó; sau một thời gian nào đó, thậm chí là kiếp khác, người Cho Đi sẽ nhận được rất nhiều, nhiều hơn nhiều lần cái đã Cho Đi, đó chính là Phước Báo.

Khi chúng ta Cho Đi, tức là chúng ta trao hạnh phúc cho ai đó; và cái chúng ta Cho Đi không chỉ là vật chất, tiền bạc; mà chính là lòng nhân ái của chúng ta, mà lòng nhân ái thì rất dễ lan tỏa.

Khắp nơi trên thế giới, đầy rẫy những mảnh đời bất hạnh; chiến tranh, dịch bệnh, nghèo đói… khiến cho ngày càng nhiều nỗi đau thương mất mát; đầy rẫy những mảnh đời cần sự sẻ chia giúp đỡ; một miếng khi đói sẽ bằng một gói khi no; cho nên, hễ lá lành thì hãy đùm lấy lá rách, hễ rách ít thì hãy thương lấy rách nhiều.

Một chén cơm, một manh áo; đối với người này thì tầm thường, nhưng đối với người nghèo khổ, thì là cả một vấn đề; thế cho nên, đâu cứ phải là việc gì to tát, đâu cứ phải những con người vĩ đại, có tài sản vật chất mới có thể Cho Đi; vâng, thưa các anh chị, ai cũng có thể Cho Đi, dù chỉ là những thứ nhỏ nhặt nhất.

Này nhé; thầy cô giáo cho kiến thức, cha mẹ cho tình thương; một gói xôi, một chai nước, một cuốc đi nhờ xe, một cái đẩy xe lên dốc, một chút tiền đặt vào thùng quyên góp cho người nghèo, một cái ôm ai ủi người đang bị tổn thương, một chiếc áo ấm cho trẻ em vùng sâu vùng xa, một vài ngàn đồng cứu giúp đồng bào lũ lụt, một lời hỏi thăm động viên ai đó đang cảm thấy bi quan trong cuộc sống…; nhiều lắm, không bao giờ kể hết được.

Nếu muốn, chúng ta có thể dùng tiền bạc vật chất để Cho Đi; nếu không có vật chất; thì lời nói, ánh mắt, thời gian, công sức kêu gọi, tâm nguyện cầu… đều Cho Đi được hết; chỉ cần chúng ta mở lòng, thì điều gì cũng thật dễ dàng, chẳng có gì là khó khăn cả.

Cõi đời tưởng phức tạp khó hiểu, nhưng thật ra luôn tuân theo những quy luật nhất định, trước hết là Tạo hóa, sau đó là Nhân Quả; cuộc sống nó công bằng vô cùng, công bằng với tất cả nhân loại; rất đơn giản, như một bài toán cộng trừ nhân chia vậy.

Thì đấy, Cho Đi tiền bạc, chúng ta sẽ nhận lại lòng kính trọng và biết ơn vô vàn; Cho Đi một nụ cười, chúng ta sẽ nhận lại cả ngàn nụ cười; Cho Đi tấm lòng yêu thương, chúng ta sẽ nhận lại cả một trời ấm áp; Cho Đi một, chúng ta sẽ nhận lại hai ba và hơn nữa; bởi vì khi Cho Đi, hạnh phúc và niềm vui của người nhận sẽ khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn gấp nhiều lần.

Như tôi đã nói ở trên, trong cuộc sống đầy bon chen và đố kị ganh ghét này, vẫn còn đâu đó những tấm lòng cao cả, chỉ biết Cho Đi, nhưng chưa hề mong mỏi nhận lại bất cứ điều gì; họ là những Mạnh Thường Quân gửi tiền quyên góp nhưng không để lại tên tuổi; họ là những người đã ngã xuống vì đất nước…

Nghĩ xem; sống trên đời, ai cũng có những kế hoạch, những dự định, những nỗi lo cơm áo gạo tiền…; lo miết lo mải, để rồi không còn thời gian và tâm trí để mà quan tâm đến những chuyện xung quanh mình; điều đó thật bất hạnh; bởi, cuộc sống đâu chỉ có riêng mình, cuộc sống còn muôn vàn thứ quanh mình nữa; chúng ta không quan tâm đến ai, lúc chúng ta bế tắc thì ai quan tâm đến chúng ta nhỉ; Cuộc Sống Là Sự Qua Lại đó các anh chị.

Chúng ta đừng ngại mình nghèo mình khó khăn, để rồi hễ nghe thấy ai khổ cần giúp đỡ thì nói “Thôi để mấy ông đại gia làm từ thiện đi, tui không có điều kiện”; đâu cần là đại gia mới có thể giúp đỡ người khác; chỉ cần một lời hỏi han, một lời động viên đúng lúc để giúp ai đó có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực sống là đã Cho Đi rồi; mình nghèo nhưng giúp được ai đó đang túng quẫn cùng cực thì cũng nên giúp các anh chị à.

Sự Cho Đi bằng tiền bạc vật chất hay chỉ là một cái ôm, một lời động viên an ủi; xuất phát từ lòng nhân ái trong mỗi chúng ta, đối với người khó khăn hay đau khổ; là một niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc khi làm điều gì cho người khác; thế cho nên, mỗi chúng ta hãy thử Cho Đi một cái gì đó, hãy thử biến niềm hạnh của người khác, thành niềm hạnh phúc của chính mình!

Và khi Cho Đi, chúng ta hãy Cho Đi như chính cái ý nghĩa của Sự Cho Đi; đó là, luôn xuất phát từ tấm lòng, từ tình thương; Cho Đi, nhưng đừng nghĩ đến chuyện nhận lại, vì đó là hành động Cho Đi có toan tính như sự trao đổi, sự trả nợ; cách Cho Đi đó không thật lòng, không thuần khiết; cứ thoải mái đừng tính toán gì, vì chắn chắn chúng ta sẽ nhận lại rất nhiều, không phải là vật chất hay quyền lợi, mà là niềm hạnh phúc khi Hành Thiện.

Hãy yên tâm, nếu chúng ta đối tốt với người này, có thể người đó không đền đáp chúng ta ngay lúc đó, nhưng trong tương lai, người đó hoặc người khác sẽ đền đáp cho chúng ta; ngược lại; ai giúp chúng ta điều gì, hãy ghi nhớ để tìm dịp mà đền đáp lại.

Không ai hoàn thiện cả, quan trọng là biết sống như thế nào cho đúng, để không phải hổ thẹn với lương tâm; những phiền toái trong đời giống như những vết nứt của một chiếc bình; nếu không có chiếc bình nào khác, hãy hàn gắn vết nứt để mà sống tiếp!

Mỗi chúng ta có niềm hạnh phúc khác nhau; hạnh phúc đó có thể là sự thăng tiến, đạt nhiều bằng cấp, có nhiều của cải tài sản, có nhan sắc, có tình yêu, có gia đình êm ấm…; nhưng biết Cho Đi là cánh tạo niềm hạnh phúc của sự an lạc cho chúng ta nhất; vì nếu chúng ta cứ giữ khư khư những gì mình có, và chỉ muốn nó nhiều hơn nữa; chúng ta sẽ trở thành những kẻ tham lam và ích kỉ.

Chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều từ chữ Duyên; quen biết nhau, yêu ghét, hận thù… cũng là chữ Duyên; Duyên do trời định, nhưng chúng ta phải biến cái Duyên ấy thành tình thương yêu bằng cách Cho Đi; Cho Đi chính là một cách Trợ Duyên đấy! 

Các anh chị có thấy; những người tổn thương tình cảm lúc bé; bao gồm những người mồ côi cha mẹ, người lớn lên trong những gia đình đổ vỡ thiếu hạnh phúc; thứ nhất, thường rất dễ trở thành tệ nạn xã hội; thứ hai, thường ít mở lòng yêu thương người khác.

Vì sự mất mát lớn lao trong đời sống tình cảm đã sớm hình thành trong tâm hồn họ sự thù hằn ghét bỏ; từ đó họ đánh mất chính mình, cảm thấy thù hận mọi người, rồi dần đánh mất lòng yêu thương; nó khiến họ chẳng bao giờ hiểu được niềm vui khi giúp đỡ người khác; họ không được nếm trải hạnh phúc của sự yêu thương, thì làm sao họ có thể hình dung những gì mà lòng yêu thương mang đến, giữa con người với nhau.

Cho nên; chúng ta hãy đừng chạy trốn khổ đau; hãy đừng tiếc nuối đừng oán hận; hãy đối diện với nó, để tìm ra giải pháp nhằm thay đổi quan niệm sống cho đúng; giận quá sẽ mất khôn, nó khiến chúng ta đánh mất chính mình, thậm chí làm khổ người khác; xóa vết thương lòng là điều khó nhất với loài người; nhưng không thể không bao dung cho người khác, vì chỉ có bao dung cho người khác mới có thể cứu lấy chính mình.

Luật Nhân Quả rất công bằng; nó được khởi đầu thế nào thì nó sẽ kết thúc thế ấy; tức là chúng ta gieo thế nào thì chúng ta sẽ gặt thế ấy; và quan trọng là, Luật Nhân Quả luôn kết thúc có hậu với những ai sống với lòng yêu thương chân thành; thật tình mà nói, đâu phải ai cũng sẵn sàng làm phước, sẵn sàng Cho Đi, sẵn sàng Hành Thiện; có lẽ chỉ có những người đã ý thức được đạo lí Nhân Quả và biết sống theo lời Phật dạy là biết Cho Đi.

Nếu không phải là vật chất, tiền bạc, của cải, danh vị, quyền lợi…; nếu không phải là lời nói, cái ôm, câu cầu nguyện…; nếu không phải là bài giảng của thầy cô; nếu không phải là tình yêu vô bờ vô bến của cha mẹ; thì điều Đức Phật cho chúng sinh chúng ta, chính là cả cuộc đời của Ngài; Ngài thương xót, rồi tu khổ hạnh, rồi thiền định, rồi giác ngộ; rồi Ngài Cho Đi điều răn dạy, Cho Đi Pháp Hạnh, Cho Đi sự chứng ngộ của mình để giúp chúng sanh thoát khỏi mê lầm.

Những người nghe hiểu lời răn dạy của Đức Phật; để rồi Cho Đi, truyền đạt lời răn dạy đó cho người khác nghe hiểu Phật Pháp; cứ thế mà Cho Đi, cứ thế mà truyền đạt; để rồi mọi chúng sinh ứng dụng tu hành, giảm bớt những phiền muộn, khổ đau trong cuộc sống; sự Cho Đi đó là điều vi diệu và cần thiết nhất trên đời.

Các anh chị thấy không; khi người học Phật chúng ta thấm nhuần đạo lí rồi, chúng ta gặp bạn bè hoặc người thân đang phiền muộn, đau khổ, chúng ta đem sự hiểu biết của mình ra mà chia sẻ với họ; khi bạn bè người thân của chúng ta nghe hiểu rồi thấm nhuần Phật Pháp rồi, họ sẽ không còn cảm thấy buồn khổ nữa; sự Cho Đi đó gọi là là Bố Thí Pháp.

Dù là người xuất gia hay là Phật Tử tu hành tại gia đi chăng nữa; bất cứ ai siêng năng học hỏi và tu tập, đều có thể Bố Thí Pháp được; chúng ta tin sâu Nhân Quả, từ đó mà tránh làm điều dữ, năng làm điều lành; chúng ta có niềm tin với Phật Pháp rồi, thì chúng ta sẽ không còn phiền muộn khổ đau, sẽ hiểu được và giải thoái khỏi phiền não; chúng ta sẽ yêu người yêu đời yêu nhân loại, sống đời đẹp Đạo; góp phần tạo nên thế giới tốt đẹp ý nghĩa hơn.

Vậy nhé; hãy nhớ rằng cõi trần ai đau khổ phiền não này là một chuỗi dài Nhân Duyên nương nhờ lẫn nhau, tương tác với nhau; hãy nhớ rằng dù chúng ta là thành phần nào trong xã hội, nếu muốn, nếu có tâm phát nguyện, thì đều có thể làm việc Thiện Lương được; vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa các anh chị nhỉ, hãy Cho Đi, chắc chắn chúng ta được nhận lại Phước Báo vô tận!

Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.

Huỳnh Uy Dũng

Pháp danh: Tuệ Phước

Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!