Góc nhìn

Luân hồi

Bài 9: Chữ "Nhẫn"

Tất nhiên chúng ta cũng biết rằng chữ Nhẫn gồm 4 chữ cái là n,h,a,n và dấu ớ (^) và dấu ngã (~); một chuyện đánh vần cực kì đơn giản.                                                                                                                                                                                         

Chào các anh chị, hôm nay tôi nói với các anh chị một vấn đề không mới, thậm chí rất cũ; tuy nhiên, có những điều cần nhắc lại, vì có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng đã thấu hiểu được; thưa các anh chị, vấn đề tôi muốn nói lần này, chính là chữ Nhẫn.

Các anh chị cũng biết, chúng ta là người Việt Nam, thì tất nhiên chúng ta cũng biết rằng chữ Nhẫn gồm 4 chữ cái là n,h,a,n và dấu ớ (^) và dấu ngã (~); một chuyện đánh vần cực kì đơn giản.

Thế nhưng, để mà hiểu cho đúng và làm cho được cái chữ cực kì đơn giản ấy, lại là một việc vô cùng khó khăn; đến nỗi, nếu chúng ta không thật tâm, thì có thể đó là một việc Bất Khả Thi.

Vậy thì, Nhẫn là gì nhỉ…


Khi chúng ta gặp chuyện không vui thì lửa giận nổi lên; nhẹ thì chỉ bộc lộ ra sắc mặt và hành động nóng nảy; nặng thì đáng sợ hơn, đó là để nỗi giận đó trong lòng; đó là do thiếu Nhẫn.

Dù nhẹ, cơn nóng giận cũng khiến khuôn mặt chúng ta không dễ coi, thậm chí rất xấu; còn nặng, chúng ta sẽ có những hành động nông nổi, bởi vì “Tâm oán giận còn mạnh hơn lửa dữ”.

Chỉ một phút nổi nóng không dằn được cơn tức giận; khiến vợ chồng phân rẽ, bạn bè thành kẻ thù; có người còn xuống tay, vợ giết chồng, con giết cha, đốt phá nhà cửa, tự hủy hoại thân thể mình…; đó là do thiếu Nhẫn.

Anh em tranh nhau tài sản nhà cửa đất đai, nhân viên thù ghét cấp trên, hàng xóm xích mích nhau; đó là do thiếu Nhẫn.

Tim đau nhói khi thấy mình phải chịu thua thiệt, kém chị kém em; thành ra hậm hực, tức nổ con mắt; đó là do thiếu Nhẫn.

Người ta có vật chất tốt, mình thì không có, đau khổ số phận hẩm hiu, rồi sinh lòng ganh ghét; đó là do thiếu Nhẫn.

Ở nhà thì mẹ chồng nhòm ngó lắm lời; ra ngoài đường thì giành giật chỗ đỗ xe; rồi cãi vã, rồi ẩu đả…; đó là do thiếu Nhẫn.

Chuyện quyền lợi hay tiền nong, ai mà động chạm thì nổi khùng lên, chỉ chực chờ xử lí nhau; nhẹ thì bom thư, nói xấu; nặng thì kiện tụng, thậm chí thuê xã hội đen xử; đó là do thiếu Nhẫn.

Chồng lười biếng, lăng nhăng, cờ bạc rượu chè; vợ se sua đỏng đảnh, không đẻ được, già xấu…; gây mâu thuẫn, ẩu đả, thù oán, chia li…; đó là do thiếu Nhẫn.

Chữ Nhẫn tưởng đơn giản nhưng rất quan trọng, chính xác là quan trọng nhất trong đời sống; bởi vì…

Một gia đình nhiều người chung sống, nếu không có chữ Nhẫn nhịn thì khó mà hoà hợp; một đất nước cũng vậy!

Người có thễ Nhẫn trong nhà thì sẽ Nhẫn ngoài xã hội; Nhẫn là cột chống cho tinh thần; đó là thắng không kiêu, bại không nản, chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành, tiến lui đều theo ý mình kiểm soát.

Nhẫn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, không Nhẫn được thì tai họa sẽ giáng xuống.

Những gì con người ta làm được đều nhờ nương tựa trên đôi cánh của chữ Nhẫn; đối với người nghệ sĩ thì là những trang sách, những bức họa, những công trình vĩ đại. 


Còn đối với người bình thường; chữ Nhẫn có thể làm giảm đau đớn, giảm khả năng mắc bệnh tim mạch; chữ Nhẫn khiến sức mạnh cá nhân và dũng khí của con người tăng lên, khiến họ đối mặt được với những điều làm tổn thương họ.

“Cáu gắt làm tổn thương hoà khí; tức giận làm huỷ hoại nguyên khí; đùa giỡn làm hỏng tài khí; nhẫn nhịn tạo thần khí”; chữ Nhẫn giúp chịu đựng sự đau buồn, tức giận, lo âu; từ đó mang lại tinh thần và cơ thể khoẻ mạnh; tức là, chữ Nhẫn mang lại sức khoẻ cho con người.

Nếu chúng ta để cảm xúc chi phối thì chúng ta sẽ làm những việc dại dột để rồi phải hối hận; còn nếu chúng ta Nhẫn được, thì sẽ được nhiều người yêu mến và dễ thành công trong cuộc sống.

Có khi, chữ Nhẫn là chịu đựng sỉ nhục và gây hại của người khác lên mình nhưng mình không sân hận mà còn yêu thương họ.

Ông bà chúng ta xưa kia đã từng dạy rằng:

-Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. -Việc nhỏ không nhẫn, ắt làm hỏng việc lớn.

-Răng cứng nên dễ gãy, lưỡi mềm nên dễ bảo tồn.

-Bị đánh không tức, bị mắng không la, chính là đại phúc đại đức. -Nhẫn khiến chuyện xấu tan, tai họa biến.

-Người quân tử cần tiêu trừ tức giận và dục vọng.

-Không chỉ không được tức giận, mà còn phải mở rộng tấm lòng.

-Nhẫn thì việc thành, bao dung thì có đức hạnh.

-Tâm tĩnh là Nhẫn, càng tĩnh càng thành Đại Nhẫn.

Chúng ta cũng cần lưu ý có nhiều kiểu Nhẫn trong cuộc sống:

-Thứ nhất là Nhẫn Nại nghĩa là gặp khó vẫn quyết làm cho được.

-Thứ hai là Nhẫn Nhục nghĩa là thất bại nhưng chịu nhục chờ thời. -Thứ ba là Nhẫn Nhịn nghĩa là nhịn nhục chờ thời cơ thực hiện.

-Thứ tư là Nhẫn Thân nghĩa là tàn nhẫn với mình, tự ràng buộc mình, chờ đủ lực để thực hiện ý đồ.

-Thứ năm là Ẩn Nhẫn nghĩa là an tịnh, không tham danh lợi, không màng thế sự, không màng thị phi.

-Thứ sáu là Nhẫn Hận nghĩa là bị áp bức nhưng không tỏ thái độ mà lại để nỗi oán hận trong lòng.

-Thứ bảy là Nhẫn Hành nghĩa là thấy việc sắp thành nhưng vẫn chờ đợi cho thêm phần chắc thắng.

-Thứ tám là Nhẫn Trí nghĩa là khôn khéo nhưng không thể hiện.

-Thứ chín là Nhẫn Tâm nghĩa là thấy nạn không cứu, thấy ác không ngăn.

-Thứ mười là Tàn Nhẫn nghĩa là làm chuyện trái lương tâm, trái chuẩn mực đạo đức xã hội.

Có thể thấy, chữ Nhẫn rất phong phú, không chỉ là phép đối nhân xử thế, mà còn là cảnh giới tinh thần của nội tâm kiên định, trong nghịch cảnh vẫn có thể lấy khổ làm vui, có thể Nhẫn được những điều mà người khác không thể.

Chữ Nhẫn có nhiều tầng thứ, từ cái Nhẫn của người bình thường trong mối quan hệ gia đình, bạn bè đồng nghiệp, quan hệ xã hội… cho đến cái Nhẫn của người phẩm đức cao thượng, của vua sáng tôi hiền, và cuối cùng là cái Nhẫn của người tu luyện khi đã đạt đến cảnh giới siêu nhiên thoát tục.

Nếu con người chúng ta chọn một kiểu Nhẫn cho mình, đó là do hoàn cảnh, có khi do số phận; nhưng kết quả của sự lựa chọn đó rất vi diệu, vì nó sẽ mang lại hậu quả cho chính chúng ta, tức là cũng không nằm ngoài Luật Nhân Quả; vì sao…

Một kiểu Nhẫn khiến ta dồn uất hận trong lòng, chờ có dịp sẽ hành động, được hàm dưỡng và nung nấu; là tính cách cần có của người làm chính trị hoặc kinh doanh; tức, bỏ qua tất cả để đạt tới mục đích cuối cùng, là cảnh giới cao nhất của chữ Nhẫn.

Nhưng, càng nung nấu tính Nhẫn sẽ càng hành động kiên quyết, thậm chí tàn ác để thành công; để đạt mục đích, dù phải phải tổn thất thế nào, có làm người khác ra sao, cũng bất chấp.

Nếu chữ Nhẫn chỉ là kiên trì chịu đựng để đạt mục đích thì sẽ thiếu vắng sự bao dung, nhân ái; tuyệt không liên quan gì đến hoạt động như tu thiền và dưỡng sinh; tập tính Nhẫn mà chỉ tập kiên trì lí trí, không bị tình cảm chi phối, thì sẽ thiếu chữ Nhân.

Chữ Nhẫn giống như không khí, dù không chống trả vẫn vô hiệu hóa những quả đấm.

Nhưng, Nhẫn không phải là sự cam chịu, luôn gồng mình chịu nhục, luồn cúi để đạt mục đích; chúng ta phải nhớ rằng, nếu có vấn đề, hãy dùng trí tuệ để nhìn đúng sai, buông bỏ hơn thua, không cố chấp phiền hận; nghĩa là, mình sai thì mình nhận, không phải thì bỏ qua, vì nếu nhớ hoài thì tự mình chuốc khổ cho mình và còn làm cho người khác khổ theo.

Nói cách khác, chữ Nhẫn, ngoài điềm tĩnh chịu đựng, thì còn cần sự tha thứ, từ bi hỉ xả; chính là độ lượng khoan dung trong khi kiên tâm nhẫn nại; chính là thể hiện bản lĩnh của mỗi người.

Nhẫn mà chỉ chăm chăm nằm gai nếm mật, nuốt mọi tủi nhục, chờ thời cơ làm chuyện lớn; sẽ trở thành động cơ sống, thành quái chiêu để đạt mục tiêu.

Còn chữ Nhẫn mà như trái tim bồ tát của Quan Âm Thị Kính khi bị vu oan, thì thật là lay động tâm can người khác; đó chính là Dung Nhẫn trong thuận hòa, đó chính là chân tu.

Nhẫn Nhục một cách hèn nhát, Nhẫn quá thành nhục; chính là điều sỉ nhục, làm xấu hổ, tổn thương đến lòng tự ái của mỗi người.

Nhục vì cái gì? Vì sợ quyền thế; nhục vì đang cảnh bất lợi chưa thể trả thù được; nhục để được khen; nhục để được chức quyền; nhục vì biết thua mà tỏ ra mình hơn, không thèm chấp.

Nhẫn Nhục chịu đựng đến mức hèn yếu ngày này qua tháng nọ, mà cơ đồ sự nghiệp thành quả chẳng thấy đâu, chỉ thấy con người ngày càng èo uột thảm hại, nhưng vẫn tự ru là đang Nhẫn.

Nhẫn Nhục một cách hèn nhát, chui sâu vào vỏ ốc của mình; sẽ làm suy thoái xã hội, đạo đức con người, làm cho cái ác, cái tham, cái xấu có mầm mống và cơ hội phát triển.

Nhưng nếu không biết Nhẫn, chúng ta cũng sẽ trở nên xấu xí, đầu óc căng thẳng và giải quyết vấn đề một cách nông nổi, thiếu suy nghĩ.


Muôn màu cuộc sống bày ra trong sức mạnh của chữ Nhẫn, chữ Nhẫn bao hàm cách sống của mỗi người; dùng Nhẫn một cách đúng đắn làm sức mạnh thì sẽ thành công một cách nhân văn.

Chúng ta phải làm sao để Nhẫn?

Trong cuộc sống, vui vẻ an lạc tinh thần thoải mái là mong ước lớn nhất; tuy nhiên, có rất nhiều sự việc ngoài ý muốn, do mình tạo hay người khác tạo, gây cho mình bực bội khó chịu, nóng giận trong lòng; ví dụ như bị xúc phạm, chèn ép, tước đoạt quyền lợi, thiên tai bão lũ, thời tiết nóng lạnh, mưa gió bất thường, sụp đất, lở đá, bất hòa trong gia đình, mâu thuẫn trong công việc, thất bại trong kinh doanh…

Nếu không biết cách hóa giải, sẽ giải quyết bằng lời nói hay hành động tiêu cực, giống như trong lòng có lửa chờ gió thổi là bùng cháy, dẫn đến hậu quả không tốt đẹp, tạo Nghiệp ác cho kiếp sống hiện tại, và chịu Quả Báo xấu về sau.

Cho nên chúng ta phải Nhẫn, tức phải nhường nhịn một cách hợp lí và bao dung, giữ thái độ hòa hiếu, hóa giải những phiền não do sự sân giận đem lại.

Chúng ta có mặt trong thế giới này là do chúng ta tạo Nghiệp, chúng ta sống là để trả Nghiệp, khi trả dứt sẽ an vui, vừa trả Nghiệp vừa làm sạch Nghiệp, cũng giống như vừa tu mà chỉ người khác tu, để làm thay đổi Nghiệp; vừa Nhẫn vừa giúp người khác Nhẫn, để rồi ai cũng từ bi nhân từ, ai ai cũng sạch Nghiệp, và sống an vui hạnh phúc đời này và đời sau.

Để mà Nhẫn, chúng ta phải tìm hiểu sai đúng rồi nhận sai hay bỏ qua, bằng cách niệm Phật, quán tưởng, không cố chấp, nuôi dưỡng từ bi và quyết tâm hành trì bằng tình thương, hiểu rằng tạo Nhân Ác sẽ nhận Quả Xấu.

Nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của từng chữ Nhẫn, chọn cho mình cách Nhẫn đúng đắn đầy nhân văn nhân ái, rồi cố gắng tu tâm dưỡng tánh, Quy Y Tam Bảo, sống theo lời Phật dạy, theo chính sách pháp luật của nhà nước, nhất định chúng ta sẽ có một cuộc sống an lạc vui tươi cho đời sống hiện tại và mãi mãi về sau.

Tôi lại đọc cho các anh chị nghe Bài thơ Nhẫn Ái:

Cõi đời là cõi yêu thương,

Đâu chăng chỉ để tìm đường tiến thân.

Đất trời còn mãi xoay vần,

Mãi còn Thiên Địa và Nhân… hiệp hòa,

Làm người là phải vị tha,

Vị tha là để thêm ta, bớt thù.

Dẫu rằng có lúc si ngu,

Tranh hơn, tranh thiệt, đường tu khó lường.

Ai ơi cõi tạm vô thường,

Không không sắc sắc, đoạn trường sinh nhai.

Cho nên mình hãy lắng tai,

Tìm khôn, tránh dại, mặc ai yên hùng.

Đạo Nhân là đạo bao dung,

Ta vui, người cũng vui cùng, tiếc chi.

Đâu cần cứ phải ra uy,

Gặp gian nan, hãy kiên trì bền gan.

Muốn tạo Phước, phải chu toàn;

Niệm câu Nhẫn Ái, tâm can phải rành.

Nhớ rằng một nhịn chín lành,

Nhớ rằng, trước Nhẫn, tròn vành chữ Nhân.

Khắp nơi hòa thuận tương thân,

Trước Nhân, sau Nhẫn, muôn phần nhớ ghi.

Nếu ta Nhẫn Nhịn, cho đi; 

Tâm ta vững chãi, không gì chuyển lay.

Chuyện gì cũng Nhẫn mới hay,

Trước thời tạo phước, sau này ấm êm.

Mẹ cha càng phải Nhẫn thêm,

Mới lo con trẻ khỏi thềm bơ vơ.

Anh em Nhẫn mới cậy nhờ,

Gia đình tránh nỗi thờ ơ nhạt nhòa.

Nhẫn nhau mà sống hài hòa.

Tình thâm nghĩa thắm, đường xa hóa gần.

Chuyện gì cũng Nhẫn và Nhân,

Người người tương ái tương thân sum vầy.

Quốc gia đại sự là đây,

Giàu sang, hạnh phúc, dựng xây nước nhà.

Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.

Huỳnh Uy Dũng

Pháp danh Tuệ Phước

Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!