Chắc chắn rằng, có nhiều người, sau khi gặp phải tai ương, sẽ tin là có Luật Nhân Quả; và ngược lại, tức là chưa gặp tai ương thì chưa tin Luật Nhân Quả.
Cho nên người ta nói “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” là vậy; nhưng mà cũng có nhiều người, ý thức về Luật Nhân Quả từ sớm, và luôn có gắng Hành Thiện, tức là làm việc Thiện; và cũng có nhiều người, không hề có đủ trí huệ để ý thức về Luật Nhân Quả, và cứ thế mà Hành Ác, tức là làm việc Ác.
Vì sao con người ta Ác? Là vì con người ta có sự tham, sân và si ở trong lòng; từ chỗ tham sân si, thế giới loài người đang mỗi ngày nhìn thấy hậu quả từ chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, tệ nạn,…; và đó chính là sự vi diệu của Luật Nhân Quả.
Nói cách khác, Thiện và Ác chính là Nhân và cũng chính là Quả; Nhân Thiện thì Quả Thiện, Nhân Ác thì Quả Ác.
Chúng ta làm thế nào để phân biệt Thiện và Ác?
Thiện là điều lành có lợi cho vật hay loài khác; ác là điều dữ có hại cho vật hay loài khác; nếu hại ít mà lợi nhiều thì vẫn là Thiện, nếu hại nhiều mà lợi ít thì vẫn là Ác.
Những hành động dù bình thường hay lớn lao, nhưng mang lợi ích cho mình và người khác ở hiện tại hay tương lai, gọi là việc Thiện; người có lòng muốn làm việc Thiện là người có Tâm Thiện.
Tuy nhiên, lời nói hoặc cử chỉ đẹp mà không xuất phát từ lòng Thiện thì chỉ là vô nghĩa và giả dối; cho nên tu tâm là tu để cho Tâm Ác trở thành Tâm Thiện, từ mê mờ thành sáng suốt, từ tán loạn thành tĩnh tại; tâm luôn trong sáng, thanh thản, nghĩ điều tốt lành, chính là Tâm Phật.
Ranh giới giữa Thiện và Ác nhiều khi không rõ rệt và dễ bị hiểu lầm; thầy cô cha mẹ la rầy, tưởng Ác nhưng là Thiện, bởi vì sự la rầy đó có mục đích dạy dỗ; còn ăn nói nhỏ nhẹ có cảm tình nhưng mục đích dẫn dụ người khác vào chỗ sai trái thì lại là Ác.
Cho nên, xét Thiện Ác phải xét xem trong tâm người đó muốn gì; hành động, lời nói hay suy nghĩ có mục đích gì; người ngoài cuộc phán xét đôi khi không chính xác; làm sao biết đâu là Thiện đâu là Ác; có những điều mà lúc này, chỗ này, tôn giáo này, xã hội này, thì cho là Thiện; nhưng lúc khác, chỗ khác, tôn giáo khác và xã hội khác, thì cho là Ác.
Người từng khốn khổ mới có lòng thương xót người khác; người có tâm từ bi mới sống không phiền não khổ đau; làm ơn là việc Thiện, gây oán là việc Ác; vô chùa làm công quả hoặc tu tập là việc Thiện, nhưng sân si hoặc bất hiếu thì thành Bất Thiện.
Tu tâm dưỡng tánh, sám hối ăn năn; sẽ từ Ác thành Thiện, từ xấu thành tốt, từ phàm nhân thành thánh nhân; giống như từ rác thành hoa, từ nước đục thành nước trong; giống như hoa sen nở từ bùn đen rồi tỏa hương thơm ngát đó các anh chị.
Tu Thiện là gieo Nhân Lành gặt Quả Lành, được hưởng phước báu, nhưng vẫn chưa thoát vòng Sinh Tử Luân Hồi; chúng ta không nên khởi vọng tâm và niệm, tức là mong điều này điều kia; không nên van xin khấn vái; mà nên hiểu sâu Luật Nhân Quả, khai mở trí tuệ, hiểu suốt Thiện Ác; khi chúng ta gieo Nhân Thiện sẽ nhận đủ phước lành; từ đó khai mở trí tuệ giác ngộ, đạt tâm thanh tịnh thì sẽ được giải thoát khỏi nỗi khổ Sinh Tử Luân Hồi.
Khi Hành Thiện, chúng ta không nên đòi hỏi công lao hay phần thưởng về mặt vật chất hay tâm linh; vì như vậy là tâm còn vọng động, còn tham, chưa sáng; chúng ta Hành Thiện nhưng đừng nghĩ phải lấy Thiện diệt Ác; chỉ nên giúp chuyển Nghiệp Ác thành Nghiệp Thiện, chuyển hiểu lầm thành đồng cảm, chuyển chưa thanh tịnh thành thanh tịnh, chuyển hung dữ thành hiền lương; ngoài tu Thiện, dưỡng tâm từ bi, dưỡng huệ sáng suốt, để bản thân an lạc, còn phải giúp gia đình hạnh phúc và xã hội hòa bình.
Xưa nay người ta hay tranh cãi chuyện bản chất con người là Thiện hay Ác; bên thì cho rằng bản chất con người là Thiện, chính xã hội khiến con người trở nên xấu xa; bên thì cho rằng bản chất con người là Ác, Ác từ trong bụng mẹ rồi.
Phải hỏi là; con người đã gây nên chiến tranh từ rất xưa; tới thời đại ngày nay, dù văn minh hơn, vật chất đã dư thừa, sao chiến tranh vẫn còn mà chưa dứt?
Thật ra thì trong bản thân và tư tưởng mỗi người đều chứa sẵn Tính Thiện và Tính Ác; nói rộng hơn, trên thế giới và trong một nước, cũng có nơi Thiện và nơi Ác.
Thiện Ác trên thế giới và trong nước là Thiện Ác xã hội; Thiện xã hội gắn với nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa và xu thế phát triển vì sự tiến bộ và văn minh nhân loại; Ác xã hội gắn với bạo lực phi nghĩa, phi nhân tính, với chuyên chế độc tài và với thể chế xã hội mà lợi ích của tập đoàn thống trị đặt lên trên, hoặc đi ngược với lợi ích của nhân dân và xã hội, kìm hãm tiến bộ xã hội.
Còn Thiện Ác trong mỗi người là Thiện Ác đạo đức; Thiện đạo đức là tình thương, lòng nhân nghĩa, sự bao dung, là lẽ sống vì mọi người, trung thực, thẳng thắn, sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải, là tinh thần hăng say lao động, là sống có lí tưởng cao đẹp; Ác đạo đức là tính hẹp hòi, đố kị, vị kỉ dối trá, nham hiểm, bất nhân.
Thiện Ác xã hội và Thiện Ác đạo đức nảy sinh trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa công với tư, giữa cái chung và cái riêng; trong đó, cách giải quyết nhu cầu và lợi ích qua nhận thức, thái độ hành vi ở mỗi con người là nhân tố quan trọng; quan tâm đến lợi ích cá nhân là một phương diện của sự tôn trọng con người; lao động chân chính là yếu tố cần thiết, bởi vì “Nhàn cư vi bất thiện”, “Rảnh rỗi sinh nông nổi” mà.
Cái Ác do thân làm ra là sát hại, hành hạ người và vật; trộm cắp, lấy đi bằng những thủ đoạn không chính đáng; tà dâm; cái Ác từ lời nói là nói dối, nói bậy; chửi mắng, nguyền rủa; nói hai lời, gây bất hòa; cái Ác từ ý niệm là tham muốn; sân hận; si mê.
Thiện là cứu mạng, giúp đỡ lúc hoạn nạn; bố thí; tiết chế dục vọng; thành thật; thẳng thắn; nhã nhặn; hòa bình; tĩnh tại; từ bi; trí tuệ.
Chúng ta nên lưu ý rằng có người việc Ác lời Ác nhưng với ý Thiện; ví dụ như sát hại bạo chúa để cứu nhân loại khỏi lầm than, hay là nói dối để cứu mạng người.
Ngược lại cũng có những người việc Thiện lời Thiện nhưng với ý Ác; ví dụ như giả làm việc nhân nghĩa để lừa gạt kiếm lợi cho mình, hoặc tổ chức nơi nuôi trẻ mồ côi với mục đích vụ lợi…
Việc vô ý làm người khác bị thương thì bị quả báo đối đãi chứ không có quả báo nơi tâm thức; khi ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp cùng làm, thì mới là Quả Báo Thiện Ác.
Cho nên, chúng ta cần phân biệt Thiện Ác cho đúng, việc có hại cho người và vật thì không làm, việc có lợi cho người và vật thì làm; làm Thiện nhiều làm Ác ít, rồi thường xuyên niệm Phật, tín ngưỡng vãng sinh, thì sẽ được về Tịnh Độ tức cõi thanh tịnh.
Làm điều lợi ích cho người vật bây giờ hoặc mai sau là tạo Thiện Nghiệp; Thiện Nghiệp bắt nguồn từ tâm nhân ái, từ bi, quảng đại và nhường nhịn; Ác Nghiệp xuất phát từ tâm ích kỉ, tham sân.
Mỗi người luôn tồn tại Thiện và Ác, chúng tương ứng với phần con và phần người; giống như âm và dương, ngày và đêm, yêu và ghét, đẹp và xấu, lớn và nhỏ, nóng và lạnh; Thiện Ác luôn tồn tại song song, Thiện nhỏ thì Ác lớn và ngược lại, không có trạng thái Thiện hoàn toàn hoặc Ác hoàn toàn; phải hiểu rằng bên trong một tên khủng bố máu lạnh vẫn còn sót lại chút tính người, bên trong một thánh nhân vẫn tồn tại một con quỷ đang say ngủ.
Chiến tranh, khủng bố, bệnh dịch, tội ác, suy đồi đạo đức, bất công xã hội; cái Ác ở khắp nơi; tính Thiện trong nghịch cảnh dường như cũng xếp sau tính Ác và nỗi sợ hãi bản năng.
Trong xã hội, dù có tính Thiện và tính Ác; nhưng khi được giáo dục bởi luân lí và pháp lí thì sẽ điều hòa được theo chiều hướng tốt; các tôn giáo có điểm chung là điều chỉnh các tín đồ đến lối sống hướng Thiện, đề cao những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân văn, loại bỏ tính Ác trong mỗi người.
Hoa sen trắng tinh thơm ngát nở từ bùn tanh, bùn tanh nuôi dưỡng hoa sen, hoa sen không rời bỏ bùn tanh; muốn có cái Thiện thì không thể chối bỏ các Ác; nên biết về tính Ác và mối nguy hại của nó, rồi biến nó thành đòn bẩy để khơi dậy tính Thiện.
Hạt giống Thiện có sẵn trong lòng mỗi người; để tiếp sức cho cuộc đấu tranh với cái Ác, không gì bằng nỗ lực để chuẩn bị những mảnh đất Thiện, và chăm sóc cho nó đơm hoa kết trái; cuộc đấu tranh Thiện Ác mãi còn; và tính Thiện sẽ luôn bị tính Ác thách thức.
Trong một xã hội bị lôi cuốn theo những giá trị vật chất, con người cần đề cao những giá trị của lòng hảo tâm và nhân từ để kháng cự lại tính hung dữ; vì xét cho cùng, tính hung dữ là vũ khí của kẻ yếu.
Để phần nào giảm thiểu sự Ác, các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ phải dạy dỗ con cái biết sống với tinh thần nhân từ và bác ái, vì xã hội, vì cộng đồng và không vị kỉ.
Suy cho cùng, giáo dục mới chính là cái gốc để hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống; giáo dục chính là để hạn chế cái Ác, cái bản năng “con” và “loài” trong mỗi con người.
Giải pháp cứu trợ qua lời nói, bàn thảo kêu gọi, qua nhiều năm tháng trên lí thuyết mà không được thực thi, chỉ khiến cái Ác càng phổ biến và lớn lên; nhưng, cái Thiện không bất lực; là vì rải rác…
Vẫn còn đâu đó…
Hộp sữa chén cháo trao bệnh nhân nghèo; hộp cơm cho người lao động nghèo; chiếc mền, chai dầu gió, cái áo khoác… trao cho người vô gia cư… chính là việc Thiện đó.
Hành động tổ chức quyên góp lập thư viện cho vùng cao vùng sâu, cấp học bổng khuyến học cho trẻ nghèo, tổ chức thăm khám phẫu thuật cho những bệnh nhi kém may mắn... chính là việc Thiện đó.
Chỉ là thùng trà đá, tủ bánh mì dọc đường nắng bụi cho người khổ; chỉ là điểm sửa xe, cắt tóc miễn phí cho người nghèo; thì đã là việc Thiện Lương rồi các anh chị.
Đúng vậy đó các anh chị; cá nhân làm việc Thiện sẽ tiếp sức xã hội đấu tranh với cái Ác, là mảnh đất Thiện để tiếp nhận hạt giống Thiện, qua bàn tay Thiện Lương chăm sóc, sẽ nảy mầm Thiện và sinh sôi phát triển.
Vậy chúng ta còn chờ gì mà không bắt đầu và tiếp tục Hành Thiện chứ các anh chị nhỉ!
Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.
Huỳnh Uy Dũng
Pháp danh: Tuệ Phước
Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!
Nhận xét/ Bình luận