Về mặt ngôn ngữ mà nói một cách đơn giản và đúng đắn thì; Ngũ là năm, Giới là điều cấm; vậy thì Ngũ Giới tức là Năm Điều Cấm; bây giờ, chúng ta sẽ bàn kĩ hơn về định nghĩa và ý nghĩa của việc tuân theo Ngũ Giới.
Mỗi sáng thức dậy, chúng ta lại bắt đầu nghĩ làm sao để có tiền, có tình, có quyền, có chức, có thức ăn ngon, có ngủ nghỉ chơi bời thỏa thích…; và để đạt được những thứ ham muốn hay nhu cầu đó, chúng ta bèn toan tính; sau đó thì có người chịu làm việc vất vả, nhưng có người thì, vì lí do nào đó, phải nhúng tay vào việc tội lỗi.
Có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận là, theo luật Sinh Lão Bịnh Tử, ngày nào đó, sớm hay muộn, ai trong chúng ta cũng phải nhắm mắt lìa đời, bỏ lại những thứ mà suốt đời mình ham muốn và khổ cực kiếm tìm.
Chúng ta đến với cõi bụi này với hai bàn tay trắng, rồi ra đi cũng là hai bàn tay trắng, còn để lại chăng chỉ là cái Nghiệp theo mình và đưa mình đến một trong Sáu Cõi; đó là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, A-tu-la, Người và Trời (Có lẽ hôm nào chúng ta sẽ nói kĩ hơn về Sáu Cõi này nhỉ).
Đúng vậy, chúng ta Luân Hồi nhiều kiếp nhưng chỉ quanh quẩn trong Sáu Cõi này; mỗi lần Sinh Tử là mỗi lần tạo Nghiệp, dẫn đến Quả Báo đau khổ; máu và nước mắt tuôn trong vô số kiếp của loài chúng sinh chúng ta, lúc chưa chết, nếu gom lại, có lẽ sẽ nhiều như nước biển; xương thịt trong hàng vô số kiếp của loài chúng sinh chúng ta, sau khi về với cát bụi, nếu gom lại, có lẽ sẽ chất cao bằng vạn núi non.
Sở dĩ chúng ta phải chịu nỗi đau khổ Sinh Tử trong Sáu Cõi này, là vì sự Vô Minh; như người đi trong đêm tối không thấy phương hướng, cứ đi mãi vào con đường hiểm nạn; nếu như không có ánh đuốc soi đường, chúng ta sẽ không bao giờ có lối để mà thoát ra; Sáu Cõi Luân Hồi là những con đường hiểm nạn; và Tam Bảo là ngọn đuốc soi đường, dẫn chúng ta ra khỏi nơi nguy hiểm, tìm đến chỗ an vui giải thoát.
Tam Bảo, như chúng ta đã nói qua; là Phật, Pháp và Tăng; trong đó, Đức Phật, qua quá trình tu luyện, đã đi đến cảnh giới giác ngộ, cảnh giới giải thoát khỏi Sáu Cõi, để rồi hướng dẫn cho chúng sinh lối thoát khỏi u minh; Pháp chính những chân lí, là ngọn đuốc sáng soi đường cho chúng ta; và Tăng là những vị thầy hướng dẫn chúng ta đi cho đúng trên con đường chân lí; khi chúng ta Quy Y Tam Bảo là chúng ta đã tự cứu mình ra khỏi chốn nguy hiểm và khổ đau, đi đến chỗ an vui giải thoát.
Chúng ta phải biết là, sau khi quyết định Quy Y Tam Bảo, chúng ta phải sống đúng theo những điều mà Đức Phật đã dạy, để tiến bước trên đường Đạo; một trong những điều răn dạy ấy chính là Ngũ Giới; khi chúng ta phát tâm Quy Y Tam Bảo tức là chúng ta đã bước chân lên nấc thang giải thoát; có điều cần lưu ý là, nếu chúng ta không giữ được Ngũ Giới, thì chúng ta không thể tiến đến giải thoát thật sự được.
Thật ra thì, Ngũ Giới không chỉ để dành cho tăng ni hay Phật Tử, mà còn là chuẩn mực đạo đức cho nhân loại; bởi vì, việc tuân thủ Ngũ Giới sẽ giúp con người nâng cao ý thức đạo đức cá nhân, phát triển nhân cách nhân phẩm, giúp cho mỗi cá nhân sống trên đời có đủ nghị lực vượt qua mọi cạm bẫy của Tham Sân Si.
Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu xem Ngũ Giới, tức là Năm Điều Cấm, là gì nhé.
Điều cấm thứ nhất, đó là Không Sát Sinh, tức là không tướt đoạt sinh mạng của con người, động vật và cả thiên nhiên; ở đây nhấn mạnh là không tự mình sát sinh, kể cả khiến người khác sát sinh.
Các anh chị thử nghĩ xem, khi chúng ta có ý tướt đoạt sinh mạng của một người hay một con vật nào đó, là chúng ta đã gây nên sự oán hận từ người hay con vật đó; chẳng qua vì yếu hơn, nên “họ” phải nhẫn, nhưng “họ” luôn nuôi oán, chỉ chờ dịp để báo thù.
Mỗi một sinh mạng đều có giá trị thiêng liêng; chúng sanh mỗi loài đều có Nghiệp Báo khác nhau, nhưng đều có quyền được sống; cho dù là con người hay con vật thì đều biết sướng-khổ, vui-buồn, tham sống-sợ chết; chúng ta giết bất cứ con vật nào, kể cả con sâu con kiến, thì cũng là giết hại một mạng sống; huống chi, theo vòng Luân Hồi Sinh Tử, biết đâu con vật ta giết hay ăn thịt là những người ruột thịt của chúng ta trong muôn ngàn kiếp trước thì sao!
Nói cho thấu đáo, chúng ta không nên tướt đoạt bất cứ Sự Sống nào trong thiên nhiên; để mà tránh sát sinh và khuyến khích sát sinh, chúng ta nên cố gắng ăn chay, ít ra là nên giảm thịt cá vì trước nhất là tránh được bịnh tật; có một điều chúng ta cũng nên quan tâm, đó là nghĩ đến việc bố thí phóng sinh.
Khi chúng ta sống thiện lương đạo đức, không sát sinh và không có ý sát sinh; thì lòng chúng ta sẽ được nhẹ nhàng thư thái, chúng ta sẽ có giấc ngủ an lành, nét mặt chúng ta sẽ luôn hiền hòa tươi sáng, và tất nhiên chúng ta sẽ không bao giờ thấy sợ hãi, ám ảnh hay cắn rứt lương tâm; nếu loài người trên thế giới không còn ý niệm sát sinh thì chiến tranh sẽ không xảy ra; lúc đó, Nghiệp Sanh Tử Luân Hồi cũng sẽ được giải thoát.
Điều cấm thứ hai, đó là Không Trộm Cướp; cho dù là vật có giá trị to lớn như vàng bạc, đất đai nhà cửa… hay những thứ nhỏ nhặt như cây kim, sợi chỉ…; trộm cướp bao hàm cái ý là lấy khi chưa được sự đồng ý của chủ nhân, tức là lén lấy hoặc cưỡng đoạt bằng võ lực, quyền hành hay bất cứ hình thức nào; kể cả những hành vi phi nghĩa như tham nhũng, lừa đảo, cân lường dối trá, kiếm lời bất chính, chứa đồ gian, lấy của công…
Nếu như chúng ta không muốn ai lấy “đồ” của mình, thì đừng bao giờ lấy “đồ” của ai; chúng ta phải thấu hiểu và nuôi dưỡng lòng từ bi, cảm thấy đau khổ khi nhìn người khác đau khổ, và không khiến người khác đau khổ; từ đó sẽ tạo nên sự công bằng giữa các chúng sinh; hơn nữa, theo Luật Nhân Quả đạo đức, thì người tạo Nhân Ác sẽ bị hình phạt về lương tâm lẫn vật chất và luật pháp; vì ân oán sẽ chồng chất, không bao giờ kết thúc được.
Thử tưởng tượng một xã hội mà không ai có tính tham lam thì; nhà sẽ không cần cửa, của cải sẽ khỏi phải giữ gìn, vật đánh rơi sẽ được trả lại cho chủ nhân; như vậy xã hội sẽ bình an và hạnh phúc biết nhường nào!
Điều cấm thứ ba, đó là Không Tà Dâm; tức là giữ đạo vợ chồng chung thủy, không ngoại tình, tà hạnh, lén lút tư thông với vợ hay chồng của người khác; và điều cấm này càng đặt biệt quan trọng đối với người xuất gia, tức là phải hoàn toàn dứt bỏ sắc dục.
Rõ ràng là ai cũng muốn gia đình mình đầm ấm yên vui, vợ đoan chính, chồng thủy chung; vậy thì không có lí do gì chúng ta có quyền phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác.
Các anh chị thấy đấy; những nơi mà đời sống tình dục không hạn chế, ai nấy tự do luyến ái, không cần nghi thức Hằng Thuận tức là lễ thành hôn dưới sự chứng minh của tôn giáo và hai họ, thì rất dễ vi phạm vào điều cấm này.
Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận rất nhiều thông tin về các sự việc đáng tiếc từ những cuộc tình ngoài luồng do sự đắm mê sắc dục gây ra; nào là tan nhà nát cửa; nào là thương tật hay mất mạng bởi những đòn thù tình ái; nào là những bào thai vô thừa nhận bị nạo phá hoặc sinh ra bị bỏ rơi; có được sống thì đứa trẻ đó cũng sống bơ vơ thiếu sự chăm sóc và tình thương; nào là tệ nạn mại dâm; nào là các bịnh xã hội gây ra những cái chết thương tâm…
Cho nên, nếu như những vấn đề nhức nhối gây ra bởi thói tà dâm mà được loại trừ, nó sẽ trở thành yếu tố quan trọng để xây dựng hạnh phúc gia đình, là nền tảng cho nền văn hoá giáo dục xã hội được phát triển ổn định và lành mạnh.
Điều cấm thứ tư, đó là Không Nói Sai; có bốn kiểu nói sai; đó là nói dối, nói thêm, nói xúc xiểm và nói ác; trong đó; nói dối là nói không đúng sự thật; nói thêm là thêm mắm dặm muối vô sự thật; nói xúc xiểm là nói xấu với hai đối tượng để gây mâu thuẫn; nói ác là nói tục tĩu, hung hăng, độc địa khiến người nghe phải nhức đầu nhức tai, sợ hãi và đau đớn.
Nguyên nhân của sự nói sai là do tính ích kỉ, độc ác, thủ đoạn và đố kị mà ra; phải hiểu rằng nếu chúng ta không sống bằng sự thật thì chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy sự thật; nó sẽ khiến chúng ta càng xa rời lí tưởng giải thoát và giác ngộ, thậm chí sa đọa vào vòng tội lỗi; bởi vì, nói sai lâu ngày sẽ thành thói quen, đến khi tỉnh ra thì đã muộn, bởi đã gây ra hậu quả tai hại.
Khi chúng ta làm việc gì, dù lớn hay nhỏ, nếu bằng cái tâm thành thực thì sẽ gặp được người thành thực; hãy nhớ rằng, lời nói chân thành sẽ hàn gắn sự chia rẽ, tấm lòng chân thực sẽ tăng cường sự thân tình; chân thành và chân thực sẽ nuôi dưỡng lòng từ bi và Hạnh Tứ Nhiếp Pháp, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Vậy thì, khi bị trái ý, chúng ta hãy luyện chữ Nhẫn Ái, tức là nhịn bằng lòng bao dung, thông cảm cho sự yếu kém của người khác, không trách mắng hay phỉ báng; mà cách Nhẫn Ái đầu tiên chính là sự im lặng đó các anh chị, im lặng là vàng mà!
Điều cấm thứ năm, đó là Không Uống Rượu; ở đây cần hiểu là mình không uống và không khiến người khác uống.
Khi chúng ta uống rượu bia, chất men sẽ tác động lên não bộ và thần kinh; khiến chúng ta mất trí tuệ, mất kiềm chế, mất kiểm soát, không làm chủ được hành vi, lời nói và suy nghĩ.
Nói sơ về tác hại của rượu bia thôi cũng khiến chúng ta rùng mình; rượu bia chính là nguyên nhân gây ra tất cả mọi tội lỗi.
Này nhé; các anh chị nhớ xem; tai nạn giao thông khiến người thương kẻ vong; thảm họa gia đình khiến nhà tan cửa nát, vợ chồng ẩu đả, con cái hư hỏng; bản thân người uống thì bịnh tật...
Kinh khủng hơn, đó là sau khi mất kiểm soát do say rượu, chúng ta sẽ không còn biết đến phải trái, dễ dàng gây ra các tội của bốn điều cấm trên; đó là sát sinh, trộm cướp, tà dâm và nói sai!
Một người không uống rượu sẽ tránh được chuyện xấu, bịnh tật, tai nạn, tổn thất; trí tuệ sẽ sáng suốt minh mẫn; gia đình sẽ yên vui lành mạnh; từ đó góp phần xây dựng xã hội bình yên.
Sau khi chúng ta hiểu sự cần thiết của việc Quy Y Tam Bảo; chúng ta quyết định Trở Về Nương Tựa Phật Pháp Tăng, trở thành Phật Tử, tuân theo Năm Điều Cấm; hướng tới lối sống đạo đức thanh tịnh, tránh xa tà niệm xấu ác, dứt trừ tội lỗi, góp phần đem lại trật tự, an vui cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Như tôi đã nhắc ở trên, việc giữ Ngũ Giới không nhất thiết là dành cho người theo Đạo Phật, không nhất thiết là Phật Tử, mà mọi người trên thế gian đều nên tuân theo Ngũ Giới; bởi vì điều này giúp cho bất cứ xã hội nào cũng trở nên văn minh và hạnh phúc.
Dễ thấy rằng trong thời đại toàn cầu hóa, hầu như mọi giá trị đều được đo bằng đồng tiền, dẫn đến khủng hoảng môi trường sinh thái và tâm linh, các giá trị đạo đức truyền thống bị lung lay; mỗi một cá nhân cần tự ý thức, suy ngẫm, chiêm nghiệm; phát huy ý chí, nghị lực, kiến thức, sở trường, tiềm năng; phát nguyện Quy Y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới một cách tích cực và sáng tạo; để giá trị hạnh phúc thiết thực của Phật Pháp được hiển lộ khắp nơi.
Bởi vì; Ngũ Giới không những giúp cá nhân theo đường giải thoát; mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội và quốc gia nữa; nói cho chính xác, Ngũ Giới chính là giềng mối mang lại hạnh phúc cho mọi chúng sinh, là Pháp Môn ngăn ngừa chúng sinh làm điều sai trái trong thời Mạt Pháp.
Để kết thúc, tôi xin đọc cho các anh chị nghe bài thơ Ngũ Giới Ca:
Ai ơi an lạc lẽ thường,
Từ bi, trí huệ, khiêm nhường, vị tha.
Muốn cho hạnh phúc chan hòa,
Chớ nên tham muốn, xa hoa, đua đòi.
Phật bày chân lí đuốc soi,
Chúng sinh u tối kịp thời học theo.
Thấp cao, mạnh yếu, giàu nghèo;
Hãy gieo Nhân Ái, chớ gieo Ác Hành.
Dối Lừa, Trộm Cướp, Sát Sanh;
Tà Dâm, Rượu Độc, hãy nhanh xa rời.
Bao la một cõi đất trời,
Tuân theo Ngũ Giới sáng ngời thậm thâm.
Ai ơi khắc cốt ghi tâm,
Vượt qua gian khổ gieo mầm Thiện Lương!
Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.
Huỳnh Uy Dũng
Pháp danh Tuệ Phước
Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!
Nhận xét/ Bình luận