Góc nhìn

Luân hồi

Bài 4: Nỗi đau chốn linh thiêng

Mỗi một vấn đề đều có sự liên quan và giải nghĩa cho nhau; giống như câu chuyện về Giả Tu và Thiện Ác mà tôi đã trình bày với các anh chị mới đây; lần này, tôi muốn nói với các anh chị về “Nỗi đau ở chốn linh thiêng”.                                                                                                  

Chắc chắn các anh chị sẽ thắc mắc “Lạ nhỉ, chốn linh thiêng mà cũng có nỗi đau à”; thế thì, chúng ta thử dạo một vòng quanh các nơi chốn linh thiêng (Ở đây tôi muốn nói đến các công trình thuộc về Phật Giáo) để tìm hiểu nỗi đau ở đấy nhé…

Ai cũng dễ dàng thấy rằng khi con người ta có nhiều tiền của, họ càng muốn giữ gìn số tiền của đó, mà phần đông người Việt Nam luôn tôn trọng tín ngưỡng; lúc đó tất nhiên, họ cần dựa vào Phật Tiên Thần Thánh để giúp đỡ họ; thế thì những nhà kinh doanh sẽ nhìn thấy xu hướng tâm linh ấy, và tất nhiên họ sẽ nghĩ cách kinh doanh từ xu hướng đó; xu hướng đó chính là hoạt động kinh doanh tâm linh hay hoạt động du lịch tâm linh. 

Chúng ta có thể thấy hoạt động kinh doanh tâm linh hay du lịch tâm linh đang phát triển mạnh mẽ cùng với các điểm kinh doanh tâm linh hay du lịch tâm linh; bao gồm nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi và công trình Phật Giáo ở các nơi.


Trước tiên, phải công nhận rằng công trình Phật Giáo là để thờ cúng, tìm sự nương tựa yên ổn trong tâm hồn, tu dưỡng học hỏi triết lí cao đẹp và cách ứng xử đạo đức; từ đó biết giao tiếp bằng trái tim, biết tìm về cảm giác thư thái, biết khám phá giá trị nội tại; để có sự an nhiên, thành công và hạnh phúc; có ý nghĩa rất lớn trong việc kiến tạo, nuôi dưỡng và tiếp nối giá trị văn hóa thiện lành của dân tộc ta; bởi vì, Đạo Phật dạy chúng ta từ bi và trí tuệ; để mà văn minh hơn, bình an và hạnh phúc hơn.

Từ bi và trí tuệ có sẵn trong mỗi chúng ta giống như ánh mặt trời; chỉ vì sự vô minh như mây mù che khuất, nên chúng ta không ngộ được ánh từ bi và trí tuệ ấy; việc vô chùa tu tập giúp chúng ta xóa tan bức màn u minh, để mặt trời có thể chiếu sáng.

Vài năm gần đây, các chùa Phật Giáo có xu hướng chạy theo các hoạt động mang tính phong trào và mùa vụ của xã hội; như là cầu tài cầu lộc đầu năm, giỗ tổ, cầu nguyện mùa thi; những việc này đương nhiên không xấu, nhưng nếu lạm dụng với mục đích kinh doanh thì; ngoài hậu quả làm sai lệch giá trị văn hóa, còn làm hiểu sai về đời sống tâm linh và tín ngưỡng.

Mấy ngàn năm trước, Đức Phật ngộ đạo dưới cội Bồ Đề, sau đó cùng đệ tử thuyết giáo khắp nơi; thời ấy không có chùa chiền; rồi các bảo tháp được dựng nên ở Ấn Độ; rồi hình thành các chùa chiền khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Đường; từ đó chùa chiền trở thành nơi thờ Phật, nơi tăng ni tu tập, nơi thực hành tôn giáo của Đạo Phật, và là nơi người dân đến lễ Phật.

Trước kia, chùa chiền thường được dựng nơi vắng lặng yên tĩnh như rừng núi thưa người lui tới, để giúp cho việc tĩnh tâm tu hành, và để người viếng cảnh chùa có cảm giác bình an thoát khỏi sự náo nhiệt của đời thường; thời nay thì, vì nhiều lí do, chùa chiền được xây nơi phố xá nhộn nhịp đông người; có thể thuận tiện cho nhiều việc, nhưng cũng làm mất đi nét thanh tịnh cần có.

Từ đó, sự thế tục hóa Phật Giáo đã thể hiện rõ nét; hoạt động ở chùa chiền trở nên gắn bó với các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung; điều này tích cực ở chỗ, thể hiện sự quan tâm của nhà chùa đến văn hóa dân tộc và cuộc sống của Phật Tử, khiến Phật Tử vơi đi sự lo lắng phiền não đời thường, Phật Tử trở nên gắn bó với Phật Giáo như một cách gieo duyên; thế nhưng, nếu quá mức, sẽ gây quan điểm thực dụng trong đời sống tôn giáo, làm thay đổi các giá trị văn hóa mà tôn giáo đã định hình trong hàng ngàn năm qua.

Bởi vì, sẽ có người xấu lợi dụng và tạo nên vấn nạn mê tín, biến các hoạt động tín ngưỡng tích cực thành các hoạt động mang tính dịch vụ như hóa vàng, cúng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán, hòm công đức không minh bạch, quyên góp xây chùa…; ngoài vấn đề làm giảm đi sự nỗ lực học hành và làm việc của cá nhân hoặc tập thể, còn gây ra sự hiểu lầm của từng cá nhân vào ý nghĩa của chùa chiền nói riêng và của Phật Giáo nói chung; đến nỗi đã có người lên tiếng về sự suy đồi của Phật Giáo, thậm chí mạt sát Tam Bảo, và yêu cầu chấn hưng Phật Giáo.

Trong bài nói chuyện về Giả Tu lần trước, tôi có đề cập với các anh chị về những vấn nạn nơi thờ tự tu hành; những vấn nạn đó là từ những người không phải bậc chân tu; thì trong bài nói chuyện về nỗi đau nơi linh thiêng này, cũng không loại trừ những vấn nạn đó; bởi vì những vấn nạn như vậy, cùng với những vấn nạn mà tôi đang nói đến, cũng là nỗi đau ở chốn linh thiêng nữa.

Có lẽ không ít người trong chúng ta đã từng chứng kiến và thấy phản cảm đối với tình trạng tụ tập ăn xin trước cổng chùa vào các ngày lễ lớn trong năm của Phật Giáo; khi ấy, rất đông người đến chùa lễ Phật; thế rồi, nhiều người lợi dụng tín ngưỡng; tụ tập trước cổng chùa để bán hàng rong, hàng ăn uống, vé số, chèo kéo xin tiền…; làm mất đi tính tôn nghiêm của nơi thờ tự; nhiều người cho tiền với mục đích từ thiện, nhưng không ít người thấy khó chịu, buộc phải cho tiền để được thoát cảnh chèo kéo van xin.

Và thêm một vấn nạn nữa; đó là không ít Phật Tử đã vướng vào cõi mê lầm đáng tiếc; từ chỗ mê lầm đó, họ đã tin tưởng tuyệt đối vào việc xem quẻ, bói toán, xem tướng, gọi ông đồng bà cốt…; khiến cho người đời thường ngộ nhận rằng Đạo Phật là đạo của mấy trò mê tín dị đoan.

Thử hỏi các anh chị; một người suốt năm bán buôn gian dối, đến ngày rằm ngày vía, liền sắm sửa nhang đèn trái cây tiền lẻ lỉnh kỉnh, à mà còn có người mang theo heo quay nữa chứ, để đi cúng dường Tam Bảo (Heo quay thì cúng ở chùa Bà chùa Ông), mà phải cúng cho đủ mười cảnh chùa để cầu Phật và Bồ Tát…, phù hộ cho họ mua may bán đắt, một vốn bốn lời.

Ôi thôi, các anh chị nghĩ xem, buôn bán gian dối chắc chắn là tạo Nhân Ác, lẽ nào Phật và Bồ Tát lại chứng giám cho sự cúng dường cầu khẩn ấy của họ, mà giúp cho họ hưởng Quả Lành chứ nhỉ!

Có người thì, sau khi làm chuyện ác chuyện xấu, tạo nhiều oán hận đối với người khác, thì gởi tiền vô chùa, nhờ cúng sao giải hạn; thử hỏi các anh chị, liệu có thể nhờ việc cúng sao giải hạn mà tránh được chuyện rửa hận của kẻ thù?

Lại có những người tin rằng có những vị như Mẫu Mẹ, Bồ Tát Quan Âm, Tề Thiên Đại Thánh…, nhập vào thân thể ông đồng bà cốt, rồi qua miệng của ông đồng bà cốt, phán cho họ biết chuyện thiên cơ như ngày tận thế, điều lành điều dữ, hoặc dạy phải làm điều này điều kia; nếu làm theo thì sẽ được giúp đỡ, không làm theo thì sẽ bị trừng phạt…; rồi họ nhanh nhảu nạp tiền cúng, tiền tạ…; chung quy thì chỉ toàn là lừa đảo, dối gạt mê hoặc người; ngoài mục đích làm tiền, thì có thể còn mục đích khác nữa…

Thiết nghĩ, nếu là bậc chứng đắc quả vị Phật, Thánh, Bồ Tát…; thì hẳn nhiên có thừa thần thông để linh hiển, đâu cần nhập vào thân thể phàm tục nào đó của chúng sinh để phán bảo này kia; bởi vì, Đức Phật hay Bồ Tát chỉ chủ yếu giảng Pháp, nhằm mục đích cứu độ chúng sinh; chúng sinh nào Nghiệp quá dày, không thể tiếp nhận Chánh Pháp, thì tự chúng sinh ấy gánh chịu Quả Xấu từ Nhân Ác mà họ đã làm ra, chứ Đức Phật hay Bồ Tát đâu có làm chuyện thưởng phạt như một vị quan tòa hay một vị vua đâu!


Chúng ta phải hiểu rằng, Luật Nhân Quả rất công bằng và là quy luật hiển nhiên muôn đời; người học Phật chúng ta không nên tin vào những điều u mê xằng bậy; bởi chăng, nếu như ngày nào những vấn nạn mê tín dị đoan như cúng sao giải hạn, xin xăm xin quẻ… mà còn, thì ngày đó Đạo Phật còn bị xem là một đạo của mê tín dị đoan đấy các anh chị.

Việc cúng dường cũng vậy đấy các anh chị; ý nghĩa của việc cúng dường là giúp cho người dâng cúng có cái tâm Hướng Thiện, và cũng để học cách cho đi để nhận lại; chúng ta vô chùa nghe Kinh, nghe Pháp, tu tập điều hay lẽ phải, có khi được nhà chùa đãi cơm chay; thì hầu như ai cũng cảm thấy cần đóng góp cho chùa một ít gạo, tiền, nhu yếu phẩm… để tạo phước duyên cho người khác cũng được hưởng lộc như mình; cho nên, tự thân việc cúng dường không xấu, mà xấu ở chỗ bị lợi dụng.

Rõ ràng là; đâu đó vẫn có nơi lợi dụng sự mê tín, chưa hiểu biết của quần chúng để trục lợi, gây mất tín tâm cho mọi người; họ lợi dụng đức tin lệch lạc của những tín đồ đến chùa cầu mong tránh khỏi tai ương đối với bản thân và gia đình, để lừa gạt bằng những chiêu trò mê tín dị đoan; những hành vi này tác động tiêu cực đến việc hoằng dương Phật Pháp, đến đời sống tâm linh lành mạnh, là biến tướng của tự do tín ngưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và quản lí nhà nước về tôn giáo.

Chúng ta biết rằng; từ rất xưa, giáo lí Đạo Phật đã ăn sâu vào tâm lí dân tộc ta; bằng chứng là, nhiều người dù chưa từng Quy Y Tam Bảo, chưa từng học Phật, nhưng gặp chuyện bất trắc, vẫn Niệm Phật như một cứu cánh, ngày Tết họ vẫn đi chùa, tin vào Nhân Quả, và khi chết đi họ vẫn được tụng kinh siêu độ. 

Có thể nói Phật Giáo tuy xuất phát từ bên ngoài, nhưng khi được trao cho dân tộc Việt Nam, người Việt Nam mình đã biến Phật Giáo hoàn toàn thành của người Việt Nam, không còn lệ thuộc gì vào nơi sinh ra nó nữa; người Phật Tử vì thế không bị giằng xé giữa đất nước và tín ngưỡng, nên Phật Giáo đã hòa thành một khối với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử; thời kì hưng thịnh nhất của dân tộc cũng là thời kì đỉnh cao của Phật Giáo, khi triết lí từ bi của Phật Giáo thấm nhuần vào đạo trị quốc của các vị vua.

Để rồi, những bài Pháp huyền diệu đầy ý nghĩa nhân văn của Phật Giáo, theo sát lời dạy của Đức Phật; là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo…; đã đến với dân tộc Việt Nam ta; giúp chúng ta tìm sự an lạc, giải thoát khỏi nỗi đau Luân Hồi, và sống đẹp hơn.

Ngoài những Pháp chân lí ấy, thật ra thì trong hầu hết những sách vở nói về Đạo Phật, mà các tác giả là những vị danh tăng đạo cao đức trọng hoặc các học giả uyên thâm; hoặc trong những bài giảng đạo, các vị thầy giảng đều phân tích rạch ròi về chánh tín và mê tín, cũng như khuyên người học Phật không nên tin vào những điều không đúng với tinh thần khoa học, không đúng lí lẽ Nhân Duyên Nhân Quả.

Thế nhưng, dù phải dẹp nạn mê tín, còn những hoạt động có tính chất tín ngưỡng dân gian thì không thể vơ một loạt mà dẹp hết được, vì những điều này đã thành một phần tính dân tộc rồi.

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng; chỉ có bản thân chúng ta mới làm chủ việc Chuyển Hóa Nghiệp; tức là chuyển từ hành vi, lời nói, suy nghĩ Xấu sang hành vi, lời nói, suy nghĩ Tốt; từ đó có sự chuyển biến trong cuộc sống của bản thân.

Nếu như người học Phật đã hiểu rằng tất cả những hiện tượng, sự việc xảy ra trong thế gian này đều bị chi phối bởi luật Nhân Duyên Nhân Quả; tức là, không có việc gì tự dưng xảy ra, việc gì cũng có nguyên nhân và kết quả; thì người Phật Tử phải có cái nhìn trí huệ, xem xét, phân tích mọi sự việc bằng Luật Nhân Duyên Nhân Quả; và quan trọng là, sự việc nào hiện có mà không thể giải thích bằng Luật Nhân Duyên Nhân Quả, thì rõ ràng đó không phải là sự thật chân chánh.

Về phía Giáo Hội Phật Giáo, thiết nghĩ cũng cần đẩy mạnh việc hoằng dương Phật Pháp, để các Phật Tử hiểu đúng bản chất của Đạo Phật; đồng thời xử lí các hành vi có tính tà đạo ở những nơi thờ Phật; hướng dẫn Phật Tử tránh sa đà vào lối u mê lầm lạc trên con đường tu hành.

Để kết cho bài nói chuyện về Nỗi Đau Ở Chốn Linh Thiêng; sau khi trình bày vấn đề, lí do của vấn đề và cách giải quyết vấn đề; tôi mong muốn nhắc lại một lần nữa với các anh chị rằng; Đạo Phật là đạo của trí tuệ và giác ngộ; chúng ta là những người con Phật, cho nên chúng ta phải dùng trí tuệ để phá bỏ ngã chấp, phá bỏ vô minh, tự mình giải thoát khỏi sự đau khổ của Sinh Tử Luân Hồi; trí tuệ chính là bước khởi đầu và là cứu cánh của người học Phật chúng ta; cho nên, ngay từ những bước đi ban đầu của việc tu tập Phật Pháp, nếu chúng ta không chọn cho mình con đường chân lí đúng đắn, chắc chắn chúng ta sẽ lạc vào mê lộ, thậm chí có khi không còn cơ hội quay đầu, lúc ấy thì sẽ cứu không kịp.

Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.

Huỳnh Uy Dũng

Pháp danh Tuệ Phước

Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!