Góc nhìn

Luân hồi

Bài 3: Nạn giả tu

Con người ta sống ở đời từ lúc sinh ra tới lúc chết đi, đó là đối với những người được sinh ra và được tồn tại, và chỉ trung bình được vài chục năm trường.                                                                                                                                                

Tưởng dài lắm, nhưng thực chất cũng chỉ như một giấc mộng; nhưng một tia nắng sáng chiếu vào, làm tan biến giọt sương sớm mai; như một cơn gió thổi qua làm rụng chiếc lá đã héo úa trên cành cây.

Trong cuộc đời tưởng chừng dài mà thực chất rất ngắn ngủi đó, con người ta ngoài cơm áo gạo tiền, hạnh phúc yêu đương, thỏa mãn với mục tiêu, khổ đau và tuyệt vọng, thì chồng chồng chất chất biết bao nhiêu là trạng thái tâm hồn; từ đó, nảy sinh biết bao nhiêu là tai ương, kiếp nạn, biến cố…

Trong số vài tỷ người đang tận hưởng, hoặc chịu đựng, cuộc sống của chính mình trên trái đất này, có bao nhiêu người nghe nói đến ba chữ LUẬT NHÂN QUẢ?

Và, nếu như đã từng nghe thì có bao nhiêu người trong số họ hiểu thế nào là Luật Nhân Quả? Và, giả thể họ có hiểu thế nào là Luật Nhân Quả và sự tất yếu của Luật Nhân Quả trong cõi đời này, thì có bao nhiêu người trong số họ đã thực hiện điều chân lý của cuộc sống, để mà gieo Nhân Lành hưởng Quả Tốt: hay ngược lại, cứ ham sân si, cố chấp, mê muội để mà cứ gieo nhân ác gặt quả xấu?


Tôi đã nói về điều tất yếu của Luật Nhân Quả, cái đạo lý đầu tiên và xuyên suốt của đạo Phật, nếu như không muốn nói là của toàn thể loài người trên thế giới này bất kể tôn giáo nào.

Từ đó, cũng đã đề cập đến vấn đề con người ta, trong lúc sống của cuộc sống kiếp này, song song với trách nhiệm gia đình và xã hội: Thì phải luôn luôn tu tâm tích đức, hành thiện, hành nhân để mà được hưởng phước báu cho kiếp này và vô vàn kiếp sau nữa…

Nhìn vào thực tế cuộc sống xã hội hiện nay: chùa chiền đó, đền miếu đó, sư thầy đó, phật tử đó: đâu thiếu thứ gì, mà sao con người ta vẫn cứ thấy bơ vơ lạc loài, không nơi nương tựa tâm hồn, không còn niềm tin vào điều mà họ đã từng và vẫn còn muốn tin tưởng, và gửi gắm tâm linh vào…

Có lẽ đã có rất nhiều người từng tự hỏi:

- Tài sao mình đi chùa rồi, mà vẫn thấy Tâm chưa an lạc nhỉ?

- Tại sao mình không còn cảm giác muốn đi vô chùa mà cầu nguyện nữa nhỉ?

- Mình phải làm sao để vượt qua khổ đau mà mình và gia đình mình đang gánh chịu đây?

- Thế giới này sao mà hỗn loạn thế này, phải làm sao đây?

- Sao mình cứ có cảm giác chán chường, tuyệt vọng, muốn chết đi, vì cuộc sống sao mà khổ quá, vì cuộc sống không còn nơi nương tựa tâm hồn nữa rồi?

Những câu hỏi trên tưởng đơn giản nhưng thực sự không đơn giản chút nào, nó phản ánh một thực trạng xã hội và thực trạng tôn giáo rất là nguy hiểm và đáng lo ngại.

Nhìn chung quanh xã hội hiện nay, có hôm thì thấy tin tức nói về những vị “sư hổ mang”. Nơi những hành vi và việc làm trái ngược hoàn toàn với giáo lý nhà Phật, thậm chí gây tội ác tày trời.

Khi nhắc đến những nhà sư, người ta thường nhớ đến những gì rất đỗi giản dị và thiêng liêng; Vậy mà nhìn lại những hành vi và việc làm của những vị “sư hổ mang” , dư luận xã hội đã không khỏi cảm thấy bức xúc và kinh hãi!

Ôi thôi! Vị này thì treo ảnh thiếu nữ không mặc áo trong nhà tắm; mà thay tượng phật Ngọc Hoàng trong gian Nhà Tổ bằng bức tượng của chính mình; lại còn đánh đập một nữ Phật Tử đến mức phải nhập viện.

Ôi thôi! Vị kia thì không những không tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội, vi phạm đạo hạnh, không giữ giới luật nhà Phật, thường xuyên ăn thịt cá, uống rượu bia, tự ý xây tịnh thất; đến mức bị Giáo Hội Phật Giáo tước Tăng tịch và khai trừ ra khỏi Hội; Vậy mà vẫn đứng giảng đạo pháp, xưng thầy với các Phật Tử và gọi những Phật Tử lớn tuổi bằng con. Mà còn tồi tệ hơn nữa, là lừa gạt thiếu nữ đến có thai!

Hãi hùng hơn, có người giết cả người tình, yểm bùa rồi chôn xác, hòng phi tan chứng cứ tội ác của mình!

Có vị thì chẳng những không thương xót, không cứu giúp, không phổ độ; mà còn nhẫn tâm đánh đập phụ nữ già yếu, là vợ của một liệt sĩ, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nghèo khổ, chỉ muốn nương nhờ cửa Phật mà sống cho qua kiếp người.

Lại có hôm, chúng ta lại phải nghe thấy những tin tức nói về vấn nạn đạo chích xâm hại chốn chùa chiềng đình miếu linh thiêng: nhiều cổ vật, nói cho đúng là bảo vật, là linh hồn của nơi thờ tự: ví dụ như tượng sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích, lư hương, chân nến… có tuổi thọ hàng trăm năm, có giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc hẳn hoi: đã bị lấy mất và đem bán ra nước ngoài!

Lại có hôm, chúng ta chẳng muốn xem lại phơi bày ra trước mắt, chẳng muốn nghe cũng bị ra rả vẳng bên tai: những đoạn video clip thể hiện những hình ảnh một số các vị tăng trong một ngôi chùa nào đó đang đánh bài, cạnh một số tờ giống tiền.

Lại có hôm chúng ta còn bị một cơn choáng váng khi đọc tin tức về những vụ án mạng, vì lý do cá nhân hoặc cướp tài sản… trong ngôi chùa nào đó nữa!

Rồi lại thêm cơn chấn động khi nghe tin tro cốt của người đã khuất được gửi trong chùa lâu nay để mà an ủi vong linh của họ, bị rơi bảng tên và vứt lăn lóc trong xó tường, vì chùa đang phải sửa chữa trùng tu!

Những điều đau lòng nhức nhối tim gan nêu trên chính là hiện thực của vấn nạn GIẢ TU!

Tất nhiên, nguyên nhân của việc giả tu có rất nhiều: bởi vì, hễ có tướng cướp “buông hạ đầu đao”, trở thành nhà sư rồi tu tâm dưỡng tánh, hành thiện chuộc lỗi; thì ắc hẳn cũng sẽ có nhà sư quên lời răn dạy của Đức Phật, mê muội chấp ngộ ngông cuồng phi Đạo và rồi hành xử như một tên tướng cướp.

Và tất nhiên cũng có những kẻ xem việc đi tu là một cái “nghề” mà vào chốn tu hành đó, họ tha hồ tu ăn, tu ngủ, tu hưởng thụ! Và cũng có người vì lý do nào đó nương náu vào chốn tu hành để mà che đậy thân phận của mình…

Nếu mà nói về nguyên nhân của sự việc, cụ thể là sự việc GIẢ TU này, thì nhiền lắm, khó mà tưởng tượng ra được! Nhưng mà, một con người bình thường ngoài đời, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về phật pháp mà làm ra những việc trái pháp luật, trái luân thường đạo lý thì tội đã nặng rồi…

Nói chi đến một ngườI xuống tóc, khoát áo cà sa, bước chân vào chốn tu hành, được giảng dạy và kiểm tra kiến thức phật pháp, được phó ký, được công nhận, hàng ngày nghe tiếng chuông tiếng mõ, hàng ngày tụng niệm râm rang: mà bất chấp, mà ngông cuồng, mà u mê ám chướng: Rồi làm những việc tày đình, hại người hại đời: làm ảnh hưởng cá nhân, tập thể, xã hội, Giáo Hội, thì thật là khó dung tha! 

Và vấn đề lớn nhất, đó là những việc người Giả Tu gây ra, nó nguy hiểm đến mức làm cho người ta e ngại về sự suy đồi của Phật Giáo, và đòi phải chấn hưng; Thậm chí còn có người buông ra những lời mạt sát Tam Bảo! “Thượng bất chính hạ tắc loạn”; Ở trên không nghiêm chỉnh thì ở dưới sẽ rối loạn: 

Cho nên, khi có những vụ án xảy ra trong xã hội khiến dư luận hoang mang, thì hệ thống pháp luật đương nhiên phải thực thi công lý và trừng phạt kẻ thụ ác khi có những việc tày đình xảy ra trong chốn tu hành, khiến những người chân tu lo ngại; Thì những bậc đại sư đứng đầu Giáo Hội đương nhiên quyết ra tay siết chặt kỷ cương, tuyển lựa kĩ càng và sàng lọc cẩn thận để trả lại sự thanh tịnh cho chốn Thiền Môn và giữ gìn uy tín cho Phật Giáo.

Ở thời loạn hiện nay, tức là thời đại của vật chất, của khoa học kỹ thuật, của công nghệ hiện đại; nói cho tận cùng là thời đại của “Mạt Pháp”, là sự trỗi dậy của súc sanh ngã quỷ, của những kẻ mặt người dạ thú, sẽ càng lớn lao mạnh mẽ!

Chúng sẽ vừa hủy hoại con người hủy hoại xã hội và hơn thế nữa là vừa hủy hoại tôn giáo tốt đẹp bao đời.

Ông bà mình ngày xưa từng nói: “Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp dữ”: Câu nói này thật giản dị nhưng nó chứa đựng cái đạo lý to lớn vô cùng của “Luật Nhân Quả”, nên những kẻ GIẢ TU chắc chắn, ngoài sự trừng trị của luật pháp, ngoài sự răn đe và giáo huấn của Giáo Hội, sẽ bị trừng phạt bởi chính Luật Nhân Quả.

Cho nên, mỗi chúng ta, mỗi con người sống trên đời, chắc chắn sẽ không khỏi vướng bận bởi cơm áo gạo tiền; không khỏi bị dục vọng khống chế, không khỏi bị danh lợi câu thúc; không khỏi bị chức quyền quyến rũ, và nhiều thứ u mê khác trong cuộc sống.

Mỗi chúng ta, xin hãy dù rất khó khăn, cũng phải đứng vững trước sóng gió, mạnh mẽ trước hiểm nguy, an định trước cám dỗ, kiên gan trước thực tại.

Để mà, mỗi chúng ta sẽ tuyệt đối không gục ngã, tuyệt đối không phạm sai lầm, tuyệt đối không nói không làm không nghĩ đến việc trái đạo: hãy bình tâm vững trí sống cho tốt lành, hành thiện tích đức, làm việc chân chính tránh xa ma quỷ si mê…

Tu đâu cũng không bằng TU TÂM, TÂM DỮ thì PHƯỚC DỮ, TÂM THIỆN thì PHƯỚC LÀNH!

Mỗi chúng ta hãy, bằng nỗ lực tinh thần của bản thân, tin tưởng Phật Pháp quyết không để loài GIẢ TU lấn át!

Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn. 

Huỳnh Uy Dũng

Pháp danh Tuệ Phước

Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!