Góc nhìn

Luân hồi

Bài 16: Sáu nẻo Luân Hồi và con đường giải thoát

Sau khi chết, phần xác của chúng ta sẽ trở về với cát bụi; phần Linh Hồn, còn gọi là Tâm Thức hay Thân Trung Uẩn, nếu chưa giác ngộ và giải thoát khỏi Vòng Quay Sinh Tử.                                                                                                 

Trong kì nói chuyện vừa rồi, chúng ta đã nhìn Bức Tranh Luân Hồi, để thấy cuộc sống giữa thế giới này thực chất chỉ là cõi vô thường và đau khổ như thế nào; và tôi cũng hẹn với các anh chị rằng chúng ta sẽ nói về Sáu Nẻo Luân Hồi cho rõ hơn; vậy thì kì này chúng ta tiếp tục nhìn Bức Tranh Luân Hồi cho thật kĩ càng nhé.

Chúng ta có nhớ; Vòng Khổ của Bức Tranh Luân Hồi chia làm sáu phần gọi là Sáu Nẻo Luân Hồi, Lục Đạo Luân Hồi, Sáu Cõi Luân Hồi; chúng ta sẽ gọi là Sáu Cõi Luân Hồi cho dễ nhớ; Luân là Vòng, Hồi là Quay, Sáu Cõi Luân Hồi là Vòng Quay Sáu Cõi.

Sau khi chết, phần xác của chúng ta sẽ trở về với cát bụi; phần Linh Hồn, còn gọi là Tâm Thức hay Thân Trung Uẩn, nếu chưa giác ngộ và giải thoát khỏi Vòng Quay Sinh Tử, sẽ trở lại trạng thái Vô Minh; trong vòng 49 ngày, Tâm Thức sẽ chuyển vào một trong Sáu Cõi Luân Hồi là Trời, Thần, Người, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sinh, ứng theo Nghiệp mà khi còn sống người đó đã tạo nên; và cứ thế sinh tử - tử sinh không ngừng; nếu Tâm Thức trở nên thanh tịnh khi nghe Phật Pháp và niệm Bồ Tát Đạo thì trạng thái Vô Minh sẽ tiêu tan, Tâm Thức sẽ tái sinh vào cõi tốt hơn.

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu Sáu Cõi Luân Hồi này nhé…


Cõi đầu tiên là Cõi Trời; là nơi sống của Chư Thiên có phép thuật, có hình dáng oai nghiêm hơn Cõi Người, trí tuệ và tuổi thọ cao hơn Cõi Người; là nơi màu sắc rực rỡ an vui, không chiến tranh, không tức giận, không đau khổ, không chán chường; là nơi rộng lớn, chia nhiều tầng, mỗi tầng ứng với từng cấp độ Nghiệp Lành.

Người gieo phước đức vào đời hiện tại và đời trước, đồng thời tu hành chân chánh 10 điều Thiện Nghiệp thì khi chết sẽ vào Cõi Trời; Cõi Trời cũng tượng trưng cho tâm Kiêu Mạn; tức là, dù làm việc Thiện nhưng còn thiếu Trí Huệ, còn Chấp Ngã; Chư Thiên ở Cõi Trời, sau khi chết, tùy theo Nghiệp Ác hay Lành đã tạo, sẽ có thể tái sinh vào Cõi Trời hoặc bị đọa vào các cõi bên dưới.  

Cõi thứ hai là Cõi Người, còn gọi là Cõi Ta Bà hay Thế Giới Loài Người; thiết lập trên nền tảng của ham muốn, dục vọng, khám phá và hưởng thụ; là nơi mà hạnh phúc và khổ đau đan xen một cách hoàn hảo, đủ để thôi thúc con người hướng đến hành trình tâm linh; người từng tạo Nghiệp Lành thì sinh vào Cõi Người, ở đó lại phân thành nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau; bởi vậy, tùy vào Nghiệp của mỗi người, sau khi tái sinh vào Cõi Người, sẽ có hoàn cảnh hạnh phúc hay bất hạnh, giàu sang hay bần hàn, vui sướng hay đau khổ, văn minh hay lạc hậu,…; nhưng họ có thể gặp được Chánh Pháp rồi tu tập để giải thoát mà thành Phật.

Người ta cho rằng sinh vào Cõi Người là điều tốt đẹp; có lẽ bởi vì chúng sinh ở Cõi Người được dạy tuân theo Ngũ Giới là Không Sát Sinh, Không Uống Rượu, Không Tà Dâm, Không Trộm Cướp, Không Nói Dối; nếu siêng tạo Nghiệp Lành, thì khi chết, lại được tái sinh vào Cõi Người với cuộc sống bình an, vui sướng; Cõi Người mang màu vàng dịu; và tùy theo Nghiệp đã tạo lúc sống là Lành hay Ác, mà sau khi chết đi, mỗi người sẽ tái sinh vào Cõi Người, hoặc lên Cõi Trời, hoặc bị đọa vào các cõi bên dưới.

Cõi thứ ba là Cõi Thần; là nơi của các Chư Thần có phép thuật, có hình dáng không oai nghiêm bằng Cõi Trời; có tuổi thọ và hạnh phúc nhiều hơn Cõi Người nhưng không bằng Cõi Trời; chia làm hai tầng, một cho người lúc sống làm Điều Lành nhưng còn Tham Luyến và Ích Kỉ, một cho người lúc sống làm điều lành nhưng vẫn tạo Ác Nghiệp; Cõi Thần có màu xanh lá cây mờ.

Người có công tu hành, học hỏi, luyện tập, có làm phước, có đóng góp cho Đạo Pháp; được nhiều người kính nể; tuy nhiên tính tình nóng nảy, si mê tà giáo, kiêu hãnh, đố kị, tham danh lợi, thích được khen, tự đắc, huênh hoang, hay phân biệt cao thấp; trở nên tạo Nghiệp Sân Hận thì sinh vào Cõi Thần; và tùy theo Nghiệp đã tạo lúc sống là Lành hay Ác, mà sau khi chết đi sẽ tái sinh vào Cõi Thần, hoặc lên Cõi Trời, hoặc bị đọa vào các cõi bên dưới.

Cõi thứ tư là Cõi Địa Ngục; còn gọi là Cõi Âm, là nơi chịu sự trừng phạt, đọa đày và cực hình; có màu tối mờ đáng sợ; là nơi dành cho những Linh Hồn mà lúc sống có tâm hận thù, gian ác, vô lương tâm, thích tàn sát khủng bố và gây đau thương cho đồng loại, làm điều trái luân thường đạo lí; tùy theo Nghiệp Lực còn hay hết, mà sau khi chết đi, họ sẽ được tái sinh vào Cõi Người, hoặc bị đọa vào Cõi Súc Sinh hay Cõi Ngạ Quỷ.

Cõi thứ năm là Cõi Súc Sinh; còn gọi là thế giới động vật, bao gồm thú vật, côn trùng, vi sinh vật; hình thành bởi tâm Vô Minh và Si Mê sa đọa, không phân biệt tốt xấu, tin theo tà kiến; là cõi của những loài động vật, chịu đói rét và giết hại lẫn nhau; vì ngu si nên bị người ta ngược đãi, đánh đập hoặc giết thịt.

Những chúng sinh tạo Nghiệp Si Mê, lúc sống chạy theo vật chất, ham muốn xác thân, mua bán và chứa chấp ma túy, bắt cóc và hãm hiếp phụ nữ, làm việc ác… thì bị đọa vào cõi này; cõi này có màu xám mờ; sau khi chết, tùy theo Nghiệp Lực đã tạo là Lành hay Ác mà được chuyển kiếp hoặc bị đọa trở lại vào cõi này.

Cõi cuối cùng là Cõi Ngạ Quỷ; là nơi chúng sinh bị đọa làm quỷ đói khốn khổ; là cõi của những Linh Hồn mà lúc sống làm rất nhiều việc Ác; như là tham lam, gian manh, xảo quyệt, hối lộ, tham nhũng, giết người, cướp của, vu khống, đoạt tình, đoạt tiền, độc ác, không có lòng bố thí và giúp đỡ người khác…

Cõi Ngạ Quỷ có màu đỏ bầm, linh hồn có hình thù quái dị, đầu và bụng to, cổ nhỏ, miệng phun lửa; là cõi thê thảm khổ cực nhất trong Sáu Cõi Luân Hồi; ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát thường ghé qua cõi này để bố thí, cứu khổ cứu nạn, giúp sinh linh lầm lạc có cơ hội hồi hướng, chuyển sang cõi khác tốt lành hơn.

Trên đây chúng ta đã lần lượt nhìn và hiểu về Sáu Cõi Luân Hồi; có lẽ sẽ khiến chúng ta thấy bất an và sợ hãi; nhưng, có một điều khiến chúng ta cảm thấy yên tâm rằng; cho dù mỗi cõi trong Sáu Cõi Luân Hồi có tốt hay xấu thế nào, thì đều có một Đức Phật đứng giữa những áng mây, nhìn chúng sinh với ánh mắt từ bi; tức là, dù ở cõi mà mỗi chúng sinh đang dự phần có khổ đau đến đâu, chúng sinh cũng có cơ hội giải thoát; bởi vì mỗi chúng sinh trong Luân Hồi luôn có Phật Tính, đều có thể thành Phật được.

Vậy thì; suy cho cùng; như chúng ta đã nói ở trên; là Cõi Ta Bà hay Cõi Niết Bàn thì đều tùy thuộc vào trạng thái của Tâm Thức; Tâm Thức giác ngộ thì thấy mình ở Cõi Niết Bàn, Tâm Thức U Mê thì thấy mình ở Cõi Ta Bà; có nghĩa là, đối với người chân tu, Cõi Ta Bà chính là Cõi Niết Bàn ở mọi nơi và mọi lúc.

Trở về với mỗi người chúng ta; tôi tin rằng; người tu Phật chúng ta, nếu kiên trì học đạo và thông hiểu Phật Pháp, sẽ thấy bình thản, vững tâm; luôn tin tưởng nơi quá khứ, hiện tại và tương lai của chính mình; lúc sống thì nương theo Nghiệp Lành mà đi; ngay cả trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, cũng bình tĩnh và tin tưởng rằng mình đã sống tốt, có thể yên lòng mà nhắm mắt.

Chúng ta tuyệt đối đừng cho rằng “Chết là hết, suy nghĩ về cái chết làm gì cho mệt, cứ sống đời này cho sướng tấm thân”; chúng ta phải hiểu rằng Luật Nhân Quả  luôn hiện hữu giữa các thế hệ, giữa các cuộc sống tiếp nối nhau; lúc chúng ta còn trẻ trung mạnh khỏe, chúng ta có thể lướt qua những cơn đau ốm; nhưng khi chúng ta già yếu, tiền bạc hao mòn, thân thích xa rời, thì sự sợ hãi cái bịnh cái chết, nỗi âu sầu, niềm tiếc nuối sẽ tấn công chúng ta, lúc đó chúng ta có hối hận thì cũng đã muộn.

Mỗi chúng ta hãy nhớ rằng; thời gian trôi rất nhanh; một đời người, từ lúc sanh ra, già, bịnh, rồi chết, chẳng có bao lâu; nếu cứ U Mê không kịp thời tỉnh ngộ, thì thành ra mình sinh ra vì sự Vô Minh, rồi lại chết đi một cách U Mê, thì thật là vô lí.

Chúng ta chớ nghĩ rằng phải cạo đầu xuất gia mới thoát khỏi Sáu Cõi Luân Hồi; chúng ta chỉ cần tự giác tu học, tự mình thấu hiểu, tự mình thực hành Phật Pháp vào đời sống hằng ngày của chúng ta; luôn tâm niệm làm việc Thiện, tạo Nghiệp Lành; lúc đó, đời sống tâm linh của chúng ta sẽ trở nên yên bình hơn; Tâm Thức của chúng ta chắc chắn sẽ đi đến cảnh giới tự mình giải thoát khỏi Sáu Cõi Luân Hồi Sinh Tử.

Một điều kì diệu nữa; đó là sau khi giác ngộ, chúng ta hãy thuyết pháp để giúp cho người khác được khai ngộ, rời bỏ mê lầm và phiền não, giác ngộ hoàn toàn, từ đó có thể thoát ra khỏi Sáu Cõi Luân Hồi Sinh Tử ngay trong kiếp này của chúng ta.

Làm thế nào để tạo Nghiệp Lành; đầu tiên, chúng ta hãy chuyên tâm bố thí, có ít cho ít có nhiều cho nhiều, chia sẻ cho người túng thiếu, đừng giữ của cải khư khư, đừng tham luyến vào cái chúng ta sở hữu; thứ hai, chúng ta hãy tu tập cho tốt, làm điều đúng, nhất định không làm điều sai, không sân si, không hận thù, không gian ác, giữ vững Ngũ Giới, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, hòa thuận với mọi người; thứ ba, chúng ta hãy sáng suốt trong từng hành động, lời nói và suy nghĩ; dù chúng ta chưa thoát khỏi Vòng Quay Luân Hồi để thành Phật, nhưng chắc chắn sẽ tránh bị đọa về ba cõi Ác là Cõi Địa Ngục, Cõi Súc Sinh và Cõi Ngạ Quỷ mà được về ba cõi Lành là Cõi Trời, Cõi Người và Cõi Thần.

Bởi thế; dù sau khi chết đi, chúng ta được vào Cõi Trời hay bị đọa vào Súc Sinh hoặc Cõi Ngạ Quỷ; thì cũng hãy bình thản chấp nhận; trước hết, chúng ta hãy lấy việc Hành Thiện làm niềm vui nơi cõi trần tục này; dù ở hoàn cảnh nào cũng đừng chán nản; có lỡ làm chuyện gì chưa lành thì hãy giác ngộ, phản tỉnh và sửa sai; cứ tu nhân tích đức thì chuyện sai đã làm sẽ được xóa dần; chúng ta không biết kiếp trước hay kiếp sau sẽ thế nào, hãy cứ Hành Thiện thật tốt trong kiếp làm Con Người này.

Cho dù chúng ta được sinh ra trong gia đình nghèo khổ cũng đừng oán trách số phận, đừng đầu hàng; hãy quyết tâm vượt khó, thay đổi cuộc đời; hoàn cảnh sinh ra của chúng ta không giàu sang phú quý nhưng chúng ta hãy tạo điều kiện cho con cháu đời sau của chúng ta; hãy luôn luôn ước mơ và hi vọng, rồi cố gắng không ngừng để biến ước mơ và hi vọng đó thành hiện thực.

Đâu ai biết sau ánh hào quang là vũng máu, mồ hôi và nước mắt; cho nên có bị miệng lưỡi đời cười chê nhục mạ, cũng đừng gục ngã; chỉ cần chúng ta hiểu chính mình và yên tâm rằng mình không làm điều sai trái; chúng ta cũng đừng đố kị ganh ghét thành công của người khác, nó chỉ khiến chúng ta sa đọa.

Cho dù sống bao lâu, lúc còn sống thì hãy sống hết mình, sống vui, sống tốt; sống không vui thì sống bao lâu cũng chẳng thú vị; được làm người là điều vĩ đại, vì chúng ta có cơ hội tu tập để giải thoát khỏi Sinh Tử Luân Hồi hơn là ở cõi khác.

Hãy nhớ là gieo Nghiệp Ác sẽ chịu Ác Báo tương ứng; muốn vượt qua Sáu Cõi Luân Hồi thì phải tu tâm tu tánh, Hành Thiện tích đức; luôn cẩn thận chọn lựa hành động, lời nói, ý nghĩ; dù không thoát khỏi Sáu Cõi Luân Hồi, chúng ta cũng về được cõi lành.

Các anh chị có biết; ở nước ngoài và ngay cả ở trong nước Việt Nam của chúng ta; đã có người, khi đang ngủ thì hồn lìa khỏi xác và ngừng thở, rồi lại sống lại; và sau khi sống lại, họ đã thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ và cách sống; đó là, trước kia họ không tin có Linh Hồn và Thần Phật; chỉ sau khi trở về từ cõi chết, họ mới tin và quyết sống một đời sống khác; họ trở nên có tin tưởng nơi Thần Phật, sẵn lòng giúp đỡ người khác, bắt đầu ăn chay; họ hoàn toàn tin theo Luật Luân Hồi Nhân Quả; họ trở nên có lòng mong muốn giúp người khác tin Thần Phật, sống đời Thiện Lành.

Chúng ta hãy tin rằng không phải sinh ở cõi nào thì sẽ luôn ở cõi ấy; có sinh ở Cõi Trời mà làm sai thì cũng bị phạt; có sinh ở Cõi Súc Sinh hay Cõi Địa Ngục mà hễ trả hết Nghiệp Quả Ác thì lại có thể gieo Nghiệp Nhân Lành; còn trong lúc hưởng Quả Tốt, mà không tiếp tục gây Nhân Lành thì kiếp sau sẽ không được vào cõi tốt đẹp; chúng ta hãy luôn cố gắng vượt lên chính mình; bởi vì mỗi chúng sanh chính là người thợ tự xây cuộc đời mình chứ không phải là ai khác!

Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.

Nhân dịp Xuân Tân Sửu, tôi chúc quý bạn bè thật nhiều sức khoẻ, đón một mùa xuân bình an, sum họp và hạnh phúc.

Huỳnh Uy Dũng

Pháp danh: Tuệ Phước

Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!