Góc nhìn

Luân hồi

Bài 15: Bức tranh Luân Hồi

Nói về mặt ngôn ngữ thì Luân là Vòng, Hồi là Quay; vậy thì Luân Hồi nghĩa là Vòng Quay, Vòng Quay này chính là Vòng Quay Sinh Tử với lửa đỏ chung quanh, tượng trưng cho sự đau khổ, sự vô thường.                                                          

Chào các anh chị; hôm nay tôi muốn nói với các anh chị về hai chữ Luân Hồi; có lẽ chúng ta đã từng nghe hai chữ này nhiều lần; nhưng có lẽ chúng ta chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của hai chữ ấy; cho nên, chúng ta hãy tìm hiểu thêm các anh chị nhé.

Chắc cũng có lúc các anh chị suy nghĩ và tự hỏi không biết sau khi chết đi, loài người chúng ta sẽ đi về đâu; nếu nói là thân xác chúng ta về với cát bụi, vậy thì linh hồn chúng ta sẽ đi về đâu…; vâng, thưa các anh chị, sau khi chết đi, linh hồn của chúng ta sẽ theo Luân Hồi mà tái sinh ở một kiếp khác.

Chúng ta hãy nhìn thật kĩ Bức Tranh Luân Hồi nhé; nói về mặt ngôn ngữ thì Luân là Vòng, Hồi là Quay; vậy thì Luân Hồi nghĩa là Vòng Quay, Vòng Quay này chính là Vòng Quay Sinh Tử với lửa đỏ chung quanh, tượng trưng cho sự đau khổ, sự vô thường; nó được trông giữ bởi Quỷ Vô Thường, tức là Thần Chết, tay chân đầy móng vuốt và đội mũ xương sọ; Vòng Quay Sinh Tử thì vô thủy vô chung, không có bắt đầu, không có kết thúc.

Con mắt thứ ba của Quỷ Vô Thường tượng trưng cho Trí Huệ, hàm ý thôi thúc chúng sinh đau khổ tiến lên hành trình giải thoát.


Những bộ xương đang đánh bạc và tranh giành trong nghĩa địa bên dưới Quỷ Vô Thường hàm ý rằng những hạnh phúc, đau khổ, vật chất, danh vọng, địa vị… trong cuộc đời, chỉ là canh bạc mà chúng sinh đang mải đuổi theo một cách u mê; giữa nghĩa địa là Tài Bảo Thiên Vương, tượng trưng cho sự giác ngộ.

Phía trên Quỷ Vô Thường là cõi Tịnh Độ của Chư Phật, tượng trưng cho sự giải thoát; ở nơi ấy, Đức Phật đưa tay đón chúng sinh trong lúc chúng sinh mải đắm chìm trong vòng u mê Sinh Tử; chỉ khi chúng sinh thấy Đường Sáng, thực hành Phật Pháp, viên đắc Trí Huệ, mới thoát khỏi nỗi khổ của Luân Hồi Sinh Tử.

Trục của Vòng Quay Sinh Tử là biểu tượng của Tâm Thanh Tịnh giác ngộ; là căn bản giúp chúng sinh đảo ngược hoặc phá vỡ Vòng Quay Sinh Tử; thể hiện triết lí Phiền Não hay Thanh Tịnh đều là hai khía cạnh hợp nhất của một thực tại; tức là, Tâm Phiền Não sẽ dẫn đến Luân Hồi, Tâm Thanh Tịnh sẽ dẫn đến giải thoát.

Tiếp đến là bốn vòng đồng tâm là Vòng Mê, Vòng Nghiệp, Vòng Khổ và Vòng Duyên; bây giờ chúng ta sẽ nhìn kĩ từng vòng nhé.

Trong cùng là Vòng Mê, tức là Phiền Não; là nguyên nhân và là động cơ vận hành Vòng Quay Sinh Tử; trong đó, con gà trống tượng trưng cho tính Tham, con rắn tượng trưng cho tính Sân, con heo tượng trưng cho tính Si; ba con vật này kết nối chặt chẽ với nhau, là nguồn gốc mọi Phiền Não vô tận của Luân Hồi.

Kế đến là Vòng Nghiệp; Vòng Mê điều khiển Thân-Khẩu-Ý, dẫn đến tạo Nghiệp; Vòng Nghiệp gồm hai nửa đen và trắng; nửa bên trái màu trắng là Thiện Nghiệp, nửa bên phải màu đen là Ác Nghiệp; Thiện Nghiệp và Ác Nghiệp luôn song hành, đan xen trong đời sống của chúng sinh, và luôn chi phối chúng sinh.

Sợi dây mỏng tượng trưng cho đường Trung Đạo duy nhất, nối từ Vòng Nghiệp; với ý nghĩa dẫn dắt chúng sinh lên cảnh giới giải thoát của Chư Phật ở bên ngoài Vòng Quay Sinh Tử.

Kế đến là Vòng Khổ; chia làm sáu phần tương ứng với Sáu Nẻo Luân Hồi; là cõi Trời, cõi Thần, cõi Người, cõi Địa Ngục, cõi Ngạ Quỷ và cõi Súc Sinh (Chúng ta sẽ nói kĩ hơn về Sáu Nẻo Luân Hồi trong bài nói chuyện khác nhé các anh chị).

Sáu Nẻo Luân Hồi là Báo Quả của những Nghiệp Nhân tương ứng; nhưng các anh chị hãy lưu ý thêm rằng; ở một tầng ý nghĩa khác, rất sâu sắc và vi diệu, Sáu Nẻo Luân Hồi trong Vòng Khổ cũng chính là các trạng thái của Tâm; đó là hàng ngày, hằng phút, hằng giây, trong Tâm của mỗi chúng ta đều trải nghiệm đủ trạng thái của Sáu Nẻo Luân Hồi.

Nghĩa là; khi chúng ta khởi Tâm Sân Hận, chúng ta sẽ trải nghiệm cõi Địa Ngục; khi chúng ta khởi Tâm Tham Lam, chúng ta sẽ trải nghiệm cõi Ngạ Quỷ; khi chúng ta khởi Tâm Ngu Muội, chúng ta sẽ trải nghiệm cõi Súc Sinh; khi chúng ta khởi Tâm Đố Kị, chúng ta sẽ trải nghiệm cõi Chư Thần; khi chúng ta khởi Tâm Kiêu Mạn, chúng ta sẽ trải nghiệm cõi Chư Thiên.

Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy tâm chúng ta luôn ở trạng thái của Sáu Nẻo Luân Hồi; bởi vậy, chúng ta phải hiểu rằng việc tu tập rèn luyện để chuyển hóa từng hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta hàng ngày từ tiêu cực sang tích cực là điều cần thiết.

Bên ngoài cùng là Vòng Duyên; gồm mười hai Khoen Nhân Duyên nối nhau; gồm Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Bệnh Tử; bây giờ chúng ta hãy xem xét từng Khoen một, để mà hiểu rõ hơn về nỗi khổ Luân Hồi.

Thứ nhất là Khoen Vô Minh; biểu tượng là người mù trong rừng; là sự u mê đối với Thân, Tâm, Cảnh; trong đó, Thân mà chúng ta tưởng là của chúng ta, thật ra chỉ là Ngũ Uẩn; Tâm mà chúng ta tưởng là của chúng ta và thường tồn, thật ra luôn thay đổi và sinh diệt; Cảnh, tức là hoàn cảnh, sự vật, hiện tượng… trong đời sống của chúng ta, cũng sinh khởi, biến đổi và tan hoại chứ không trường tồn như chúng ta nghĩ; tức là, việc chúng ta không hiểu bản chất Vô Thường, Vô Ngã, Khổ và Không của mọi sự vật chính là sự Vô Minh, nó khiến chúng ta đắm chìm trong Luân Hồi.

Thứ hai là Khoen Hành; biểu tượng là người thợ đang nặn bình gốm; Vô Minh dẫn đến Hành tức là hành động; gồm Hành Thiện, Hành Bất Thiện và Vô Kí; Hành của Thân-Khẩu-Ý trong quá khứ sẽ tạo Nghiệp trong hiện tại; Hành của Thân-Khẩu-Ý trong hiện tại sẽ tạo Nghiệp trong tương lai; Nghiệp Nhân sẽ trở thành hạt giống trong Thức, Thức này sẽ Tìm Đến hành trình tái sinh.

Thứ ba là Khoen Thức; biểu tượng là con khỉ cầm Trái Có Hạt Giống trong tay và chuyền cành cây; gồm Tám Thức, tượng trưng cho sự Tìm Đến trong trạng thái mê lầm; dưới sự dẫn dắt của Nghiệp, Thức đi tìm Bụng Mẹ để tái sinh qua vô số kiếp Luân Hồi.

Thứ tư là Khoen Danh Sắc; biểu tượng người lái thuyền chở bốn thùng Đất, Nước, Gió, Lửa tức là Tứ Đại; Danh là tâm lí, tinh thần, được dắt bởi Thức; Sắc là sinh lí, vật chất, là cha mẹ; trong hành trình tái sinh, Danh theo Thức vào bụng mẹ, nhờ tinh cha và huyết mẹ, là Sắc, mà thành bào thai, rồi tạo nên đời sống mới.

Thứ năm là Khoen Lục Nhập; biểu tượng ngôi nhà có sáu cửa; chính là sáu giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; phát triển sau khi hình thành bào thai; là sáu cửa đón nhận sáu trần là hình ảnh, âm thanh, mùi thơm hay hôi, vị ngọt hay đắng, cảm giác êm hay xóc, suy nghĩ buồn hay vui.

Thứ sáu là Khoen Xúc; biểu tượng là người nam và người nữ đang tiếp xúc; con người chúng ta tiếp xúc ngoại cảnh thông qua sáu giác quan; đó là mắt nhìn hình ảnh, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị ngon dở, thân cảm sự tiếp xúc, ý tư duy các vấn đề; trong Sáu Xúc, nguy hiểm nhất là thân nam tiếp xúc thân nữ, vì nó chính là nguồn cơn của mọi trầm luân Sinh Tử.

Thứ bảy là Khoen Thụ; biểu tượng người đàn ông bị mũi tên cắm vào mắt, rất đau đớn khổ sở; tất cả sự Cảm Thụ đều là sự Khổ đó các anh chị; chúng ta Cảm Thụ việc gì mà thấy vui sướng thích thú thì gọi là Lạc Thụ, thấy buồn rầu chán ghét thì gọi là Khổ Thụ, thấy không vui không buồn thì gọi là Xả Thụ; Thụ là cảm giác do Nhân Duyên Sinh mà ra; nó nhờ vào giác quan, ngoại cảnh và nhận thức; Thụ thì hư huyễn không thực, vì phải dựa vào Nhân Duyên và do Nghiệp ở quá khứ quyết định; ở đây có thể hiểu đơn giản là tùy vào sự việc nhưng mỗi người sẽ Cảm Thụ khác nhau; nhưng tựu chung đều là Khổ; bởi vì vui rồi cũng hết, hết thì Khổ; không vui thì ghét, cũng Khổ; không vui không buồn, nhưng làm chuyện mê lầm, cũng Khổ, là do tạo Nghiệp cho tương lai.

Thứ tám là Khoen Ái; biểu tượng người đàn ông uống rượu, càng uống, càng khát, càng say; sau khi Cảm Thụ, chúng ta sinh cái tâm ham thích hay chán ghét; ham thích hay chán ghét đều là Ái đó các anh chị; trong các loại Ái thì cái Ái giữa người nam và người nữ là mạnh mẽ và nguy hiểm nhất, là bản năng sâu kín nhất; hai chữ Tình Yêu chỉ che đậy động cơ chiếm đoạt, sở hữu và dục vọng; trở thành lực xoay chuyển không ngừng của Luân Hồi.

Thứ chín là Khoen Thủ; biểu tượng người phụ nữ đang hái trái cây nhưng không rõ là độc hay lành; Thủ nghĩa là nắm giữ, ràng buộc; bởi vì yêu thích, ái luyến nên muốn nắm giữ, ràng buộc, gọi là Tâm Chấp Thủ; thể hiện ở sự Chấp Ngã, tức là Yêu Mến Cái Tôi, ngộ nhận Ngũ Uẩn là chính mình; có rất nhiều trạng thái của Thủ, trong đó có Chấp Ngã, Chấp Tri Kiến, Chấp Ngoại Cảnh…

Thứ mười là Khoen Hữu; biểu tượng người phụ nữ mang thai; Hữu là có, là tồn tại, là sự sống; Chấp Thủ thì tạo Nghiệp, là động lực của tái sinh, của tồn tại mới, của sự sống mới; bởi vì sao; bởi vì Tâm Chấp Thủ gieo hạt giống vào Thức; Hữu là hình ảnh một Nhân, Nhân trở thành Người.

Thứ mười một là Khoen Sinh; biểu tượng người phụ nữ sinh con; Nhân hình thành sẽ dẫn đến Quả, là sự Tái Sinh khi Nhân Duyên chín muồi; biểu hiện như một cơ thể mới, mang theo ham muốn mới, từ đó tiếp tục vòng quay bất tận của Luân Hồi.

Thứ mười hai là Khoen Lão Bệnh Tử; biểu tượng người đàn ông chống gậy, vác xác chết đi về nghĩa địa, chim kền kền thì đang rỉa xác; đây là Khoen cuối của Vòng Duyên; là điểm cuối của sự Khổ, là bắt đầu của lượt Khổ tiếp theo trong Luân Hồi; như chúng ta đã nói; có Sinh thì ắt có Lão, Bệnh, Tử; rồi lại về Vô Minh…

Vòng Quay Sinh Tử không chấm dứt bởi vì Vô Minh vẫn còn; Mười Hai Khoen móc vào nhau chặt chẽ, tạo thành tù ngục Luân Hồi; loài người chúng ta nếu giữ Năm Giới và Mười Thiện sẽ lên Cõi Trời, thêm Thiền Định thì lên Sắc và Vô Sắc Giới; tuy nhiên, hành vi Thiện Lành của chúng ta phải được Trí Tuệ Bát Nhã soi sáng, tức là phải quán Tam Luân Không Tịch, tức là Ta Là Không, Người Là Không, Bố Thí Là Không.

Như đã đề cập lúc nãy; bốn vòng đồng tâm là Mê, Nghiệp, Khổ và Duyên bị lửa vây quanh; lửa này khiến chúng ta đau khổ nhưng cũng chính là khả năng giác ngộ và giải thoát; nếu như chúng ta chuyển hóa mê lầm, từ Thức chuyển qua Trí, thì chúng ta sẽ được giải thoát, chấm dứt Sinh Tử Luân Hồi, đạt được chân hạnh phúc.

Trên đây chúng ta đã nhìn Bức Tranh Luân Hồi; và có lẽ đã hiểu phần nào nỗi khổ Luân Hồi Sinh Tử; bây giờ chúng ta thử bàn rộng hơn để thấy rằng; vạn vật trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt bụi đến lớn như trái đất, có vật nào mà không Luân Hồi chứ!

Các anh chị nghĩ xem; cái bình cắm hoa mà chúng ta đang đặt trong phòng khách kia, chẳng phải ban đầu là đất sét, rồi được nhồi nặn và nung lên mà thành cái bình, qua một thời gian, vì lí do nào đấy, bị bể tan, lại trở về trạng thái cát bụi ban đầu; cây cỏ hút dinh dưỡng từ đất cát để sinh trưởng, qua thời gian, cây cỏ tàn rụi, trở thành phân bón hoặc đất cát hoặc thức ăn cho động vật; động vật ăn cây cỏ rồi thải phân, phân thành đất, qua thời gian, động vật già yếu chết đi cũng tan thành đất cát; tóm lại, cho dù có qua bao nhiêu lần thay đổi hình dạng thế nào, vạn vật cũng thành đất cát; đây chính là sự Luân Hồi của Đất.

Bây giờ chúng ta nghĩ về nước; rõ ràng là; nước biển bốc hơi, hơi bay lên trời gặp lạnh biến thành mây, mây rơi xuống thành mưa, mưa chảy xuống ao hồ gặp lạnh lại thành băng giá, băng giá lại tan thành nước; từ muôn thuở, nước qua bao nhiêu trạng thái, nhưng luôn trở về là nước; đây chính là sự Luân Hồi của Nước.

Chúng ta lại nghĩ về Gió; không khí là gió; gió chính là sự va đẩy của các luồng không khí có nhiệt độ nóng lạnh khác nhau; không khí va đẩy nhẹ thì gió nhỏ, không khí va đẩy mạnh thì gió lớn, không khí va đẩy rất mạnh thì thành bão; nhưng cho dù là gió nhẹ, gió mạnh, hay là bão đi chăng nữa; thì gió cũng trở về là không khí; đây chính là sự Luân Hồi của Gió.

Chúng ta thử nghĩ về sức nóng nhé; lửa chính là sức nóng được phát ra khi đủ nhân duyên; hai thanh củi bị chà xát một hồi sẽ phát ra lửa, lửa đốt cháy hai thanh củi biến thành tro và thán khí, rễ cây hút tro, lá cây hút thán khí, cây thành gỗ hay củi gặp nhân duyên lại cháy; sức nóng luôn tiềm phục, nó không mất đi mà chỉ thay đổi trạng thái; đây chính là sự Luân Hồi của Lửa.

Bây giờ chúng ta thử nhìn lên trời vào ban đêm; chúng ta sẽ thấy rất nhiều vì sao; mỗi vì sao chính là một thế giới đó các anh chị; mỗi thế giới đều theo định luật thành-trụ-hoại-không; tức là hình thành, tồn tại, vỡ hoại và tan biến; thế giới nào cũng có sự thành-trụ-hoại-không; đó chính là sự Luân Hồi của thế giới.

Thân thể loài người chúng ta hay con thú cũng hình thành do Tứ Đại là đất, nước, gió và lửa; trong đó, da-thịt-gân-xương thuộc đất, máu-mỡ-mồ hôi-nước mắt thuộc nước, hơi thở-tim-phổi-cử động thuộc gió, thân nhiệt thuộc lửa; vậy thì thân con người và thân con thú cũng Luân Hồi; chết đi, phân hủy, trở về Tứ Đại; lại trở thành cây cỏ hay thân con người hay thân con thú; có khi ở chỗ này, có khi ở chỗ khác, vô thường!

Nếu thể xác chúng ta, gọi là Sắc, mà Luân Hồi, thì tinh thần của chúng ta, gọi là thọ-tưởng-hành-thức, cũng Luân Hồi đó các anh chị; càng đi sâu, càng tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy rằng, vạn vật đều Luân Hồi; hành động của thân tâm chúng ta tạo thành Nghiệp; Nghiệp biến dịch và vùng vẫy trong Ba Cõi và Sáu Nẻo Luân Hồi đồng thời tuân theo Luật Nhân Quả; chỉ khi chúng ta giác ngộ, giải thoát, thì mới chấm dứt.

Trở về với thực tại; một khi chúng ta hiểu về Bức Tranh Luân Hồi, chúng ta sẽ có lí do để mà sống cho tốt hơn nữa; mỗi ngày, chúng ta tâm nguyện làm nhiều việc thiện đức, giúp người giúp đời, khiến thân tâm chúng ta được an lạc; cho dù xảy ra bao nhiêu là phiền não trong đời, nếu đã hiểu rằng sống tức là phiền não tức là khổ, một khi đã đạt cảnh giới nhất định của Trí Huệ, chúng ta sẽ vượt qua mọi phiền não mà vui sống!

Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.

Nhân dịp Xuân Tân Sửu, tôi chúc quý bạn bè thật nhiều sức khoẻ, đón một mùa xuân bình an, sum họp và hạnh phúc.

Huỳnh Uy Dũng

Pháp danh: Tuệ Phước

Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!