Phật dạy “Phiền não là hạt giống của Như Lai; nghe lạ nhỉ, phiền não mà là hạt giống của Như Lai; nhưng, nhớ lại quá trình Đức Phật tu luyện và thành Phật thì sẽ hiểu.
Chào các anh chị; đề tài mà hôm nay tôi muốn trình bày với các anh chị rất thú vị; đó là câu hỏi “Chúng ta có phải là Phật không?”; tôi đã từng hỏi chính mình điều này; và sau khi ngộ ra lí lẽ, tôi nghĩ rằng mình phải nói với những người chung quanh mình, để thêm nhiều người hiểu được.
Các anh chị thấy đấy, tôi là một doanh nhân, không phải là một vị sư, càng không phải là một nhà truyền giáo; nhưng tôi là một doanh nhân, qua vô vàn thử thách khó khăn trong cuộc sống, nhờ duyên ngộ đạo, mà hiểu được phần nào Phật Pháp; tôi muốn tri ân những gì mình được nhận, kể cả những gì mình bị nhận; tôi muốn đem những gì mình có được, kể cả tài sản vật chất lẫn kiến thức, bằng cái tâm nhân ái, để mà nói cho những người tôi yêu thương, những người quý mến tôi, họ nghe; xem như một cách tôi tạ ơn cuộc sống của kiếp này.
Các anh chị có nhớ tôi đã chia sẻ trong bài nói chuyện trước đây; rằng, sau sáu năm tu khổ hạnh, rồi ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề 49 ngày đêm, Đức Phật đã đạt cảnh giới giác ngộ trong thân tâm; và, không còn là chúng sinh nữa, Ngài trở thành Đức Phật.
Phật dạy “Phiền não là hạt giống của Như Lai; nghe lạ nhỉ, phiền não mà là hạt giống của Như Lai; nhưng, nhớ lại quá trình Đức Phật tu luyện và thành Phật thì sẽ hiểu; à, thì ra, vì phiền não nên chúng ta tu, rồi giác ngộ, rồi thành Phật; vậy là hạt giống Như Lai ở ngay trong những phiền não đời thường của chúng ta.
Giống như đóa hoa sen mọc từ bùn lầy, rồi vươn lên tỏa ngát, trắng trong, tinh khiết; mỗi chúng sinh chúng ta, vùng vẫy trong đám bùn lầy ô trọc của thế gian; nếu chúng ta chịu nghe Phật Pháp, học Phật Pháp, hiểu Phật Pháp, thực hành theo Phật Pháp; chúng ta rồi cũng sẽ vươn lên, giác ngộ mà thành Phật.
Ừ nhỉ; nếu Đức Phật từ trên trời hiện xuống nhân gian rồi biến thành Phật, thì có lẽ chúng sinh sẽ nghĩ rằng; Đức Phật là bậc phi phàm, còn chúng sinh thì chìm trong cõi u mê, đâu thể thành Phật được; vậy chúng sinh sẽ không dám tu học để giác ngộ.
Rõ ràng là Đức Phật xuất hiện ở thế gian như mọi chúng sinh, cũng sinh ra rồi lớn lên, cũng có vợ con như mọi chúng sinh; chỉ khác là, Ngài nhìn thấy cuộc đời là khổ, quyết tâm từ bỏ gia đình, từ bỏ cuộc sống vương giả, để tìm đường giác ngộ; Đức Phật ban đầu cũng là một con người như chúng sinh chúng ta, mà Ngài đã giác ngộ; thì chắc chắn chúng sinh chúng ta cũng có thể phát tâm tu hành, để rồi giác ngộ và thành Phật được.
Khi chúng ta nghe học và hiểu Phật Pháp, từ đó quyết định rời xa u mê tăm tối, mà phát tâm tu hành để tiến tới cảnh giới giác ngộ; lúc đó sẽ không còn bị u mê cám dỗ nữa; bởi vì chúng sinh nào cũng có tri giác, có thể học để hiểu biết, tức là có tâm Phật; chẳng qua chỉ là đang chìm trong vũng lầy u mê tăm tối; khi được dạy và chịu học, sẽ sáng tỏ và trở về đường ngay.
Có thể thấy, trên thế gian có vô số người, vì muôn vàn lí do hoàn cảnh đẩy đưa; trở nên tuyệt vọng bế tắc, hận đời, hận người; rồi đem, hoặc thân xác ô uế, hoặc tâm hồn man trá, hoặc thủ đoạn đê hèn…; để mà trả thù đời, trả thù người, thậm chí mê hoặc người tu hành; cứ thế, họ vùng vẫy trong bùn lầy, và càng vùng vẫy chừng nào, thì càng lún sâu chừng nấy.
Người tu hành chân chính không những không khinh bạc, không ruồng bỏ kẻ ấy; mà còn yêu thương, bởi vì người tu hành chân chính hiểu rằng; đời người là bể tội lỗi, có đau khổ hay hạnh phúc thì cũng là Luật Nhân Quả; chúng sinh dù Tội Nghiệp có nặng đến đâu, nếu thật tâm sám hối thì đều có thể cứu vãn.
Bởi vì sao; bởi vì chúng ta dù gây tội lỗi, nghiệp xấu chất chồng; nhưng tâm Phật tức là mầm giác ngộ vẫn còn; nếu biết sám hối, chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt, thì đều có thể vượt qua, tu học và giác ngộ; chúng ta đừng mặc cảm tội lỗi, rồi tự làm khổ mình, cũng đừng thất vọng, để rồi chôn vùi cuộc đời của chúng ta.
Giống như quần áo dơ bẩn thì chúng ta giặt cho sạch; thân thể dơ bẩn thì chúng ta tắm cho sạch; nước sông đục chảy ra biển đều trở nên sạch; vậy thì, nếu tâm chưa thanh tịnh thì chúng ta học hiểu Phật Pháp để được thanh tịnh, giác ngộ Phật Pháp, soi sáng chính mình và sống tự tại trong đời Sinh Tử Luân Hồi.
Chúng ta phải vận dụng Phật Pháp vào trong cuộc sống; được vậy, chúng ta sẽ không còn cảm thấy phiền não, mỗi ngày đều an vui, đến gần với đạo; bởi vì phiền não hay không là do tâm của chúng ta, cho nên giác ngộ cũng do tâm của chúng ta.
Tâm Phật có trong mọi chúng sinh, không phân biệt già hay trẻ, trai hay gái, đen hay trắng, giàu hay nghèo; bởi vậy, bất cứ chúng sinh nào, đều có thể tu hành để chuyển từ tâm u mê qua tâm giác ngộ; khi chúng ta quay cuồng trong tâm u mê, chúng ta sẽ sa vào Bờ Luân Hồi Sinh Tử; khi chúng ta giác ngộ, chúng ta sẽ đạt đến Bờ Giải Thoát.
Chúng ta sống trong cuộc đời, dẫu muôn vàn âu lo, nhưng hãy cứ bình tâm nhẫn ái vượt qua, sống vui với đạo giữa đời; chuyện gì xảy đến, hãy hiểu chữ Tùy Duyên; đói ăn, mệt ngủ, cứ tùy thuận theo hoàn cảnh và chướng ngại; đừng bao giờ để mất chính mình, đừng bao giờ để mình bị biến chất theo hoàn cảnh; à, tôi chợt nhớ, người ta hay nói câu “Quàng cảnh quảnh càng” là vậy!
Các anh chị có biết rằng; trong ngôi nhà mà mỗi chúng ta đang sống đều có Phật, ngoài Đức Phật thành đạo được tôn bái, thì đó là những người thân thương của chúng ta; và trong lòng mỗi chúng ta đều có tâm Phật, đó chính là cái tâm tìm đến chân lí giác ngộ; nếu chúng ta biết học hiểu thì có thể chuyển hóa từ người xấu thành người tốt, đó chính là tu học và tu hành.
Chúng ta chớ nghĩ rằng mình là kẻ tầm thường, nghèo khó, ít học, vô danh, bất tài, phàm phu tục tử…; nếu chúng ta nghĩ mình thấp kém như thế, chúng ta sẽ không thấu đạt lẽ diệu kì của việc tu học, chúng ta sẽ khó mà tu học tinh tấn để đạt cảnh giới giác ngộ; những danh từ hay tính từ chỉ là ngôn ngữ, là cách gọi mà thôi; bất cứ ai mà tu học, mà giác ngộ, thì đều có thể chuyển thành Thánh, thành Hiền, thành Phật; không có gì là không thể!
Chắc chắn một điều rằng; nếu như mỗi chúng sinh trên cõi nhân gian này mà có đầy đủ niềm tin vào Phật Pháp; mọi người, bằng tâm rộng lượng nhân ái, sống và hiểu nhau, thông cảm cho nhau, cùng giúp nhau tu tiến; thì mọi người trên thế gian sẽ đều có thể góp phần chuyển hóa thế giới mê lầm thành cõi cực lạc vô cùng.
Các anh chị đừng lấy bằng cấp, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, sức mạnh, sắc đẹp… làm mục tiêu của cuộc đời; những thứ ấy, ban đầu, chỉ là nấc thang của đời thường, nấc thang ấy không mang lại hạnh phúc thật sự cho chúng ta đâu; mà chính tri thức, trí huệ, nhân ái, giác ngộ, vượt khổ - mới là mục tiêu, là chân lí, là điểm đến của một kiếp người; hãy xác định mục tiêu của cuộc đời cho đúng đắn để mà tu học nỗ lực để đạt đến mục tiêu ấy.
Một khi chúng ta đạt đến sự chu toàn của tri thức, trí huệ và nhân ái; chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới giác ngộ, vượt khổ; khi đó, chúng ta đã khắc phục mọi khiếm khuyết của bản thân, tức là chúng ta đã trở thành Phật; khi đó, chúng ta sẽ trở thành niềm hạnh phúc cho mọi người xung quanh; đừng e ngại, chúng ta có thể thực hiện điều này; ai cũng đều có thể thành Phật vì ai cũng có mầm giác ngộ tức là có Phật Tánh trong tâm.
Nói cho dễ hiểu hơn; thành Phật nghĩa là sao; các anh chị thử nghĩ; Phật chính là người đã hoàn toàn loại trừ các khiếm khuyết của bản thân, sửa sai mọi thiếu sót, và chứng ngộ mọi tiềm năng; ban đầu, Phật cũng giống như bao chúng sanh, cũng gặp vô vàn khó khăn chướng ngại trong cuộc sống.
Một số người, bị vô minh che khuất tâm trí, bị vọng tưởng phi thực tế kiểm soát; từ đó, khó khăn tiếp tục xảy đến, chướng ngại trùng trùng bủa vây; dần dần vượt vòng kiểm soát của họ; cuối cùng, họ bị phiền não quay cuồng, thân và tâm trở nên si dại, ngày càng lún sâu vào ám chướng thậm chí ác nghiệp.
Một số người, họ nhận thức được rằng vọng tưởng không phù hợp với thực tế; và họ quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi nỗi khổ nỗi phiền não do sự vô minh gây ra; và kết quả là, họ không còn bị vọng tưởng vô minh kiểm soát; họ trở nên không còn phiền não, và chấm dứt mọi hành vi bốc đồng.
Một số người, chẳng những không còn bị vọng tưởng vô minh kiểm soát, không còn phiền não, chấm dứt mọi hành vi bốc đồng; họ còn mở rộng lòng từ bi đối với người khác; lòng Từ Bi cùng với tâm nguyện phổ độ của họ hướng về tất cả nhân loại; song song đó, Trí Huệ của họ càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Từ Bi và Trí Huệ của họ mạnh mẽ đến độ tâm họ không còn chút trở ngại nào; họ đã đạt đến cảnh giới giác ngộ và trở thành Phật; thân tâm và khả năng truyền đạt tư tưởng của họ đã vượt qua mọi giới hạn; họ có thể phổ độ chúng sinh một cách tối đa và thiết thực, bằng cách này hay cách khác.
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng Phật cũng không phải là đấng toàn năng; Phật chỉ có thể tạo ra tác động tích cực đối với những người cởi mở, chấp nhận lời khuyên, và thực hiện theo đúng lời dạy; còn đối với kẻ vô minh và không có lòng hướng thiện, thì Phật cũng không thể dùng thần thông mà biến hóa được.
Các anh chị thấy đấy; rõ ràng là tất cả chúng sinh đều có thể đạt được thành tựu của Đức Phật Thích Ca, tức là đều có thể thành Phật; chúng ta hãy tin rằng mỗi người đều có yếu tố cơ bản để hỗ trợ cho mình; đó chính là Phật Tánh; chúng ta ai cũng có thân thể để hành động, lời nói để làm phương tiện giao tiếp, và tâm thức để truyền thông điệp; đó là những chất liệu để đạt thành tựu Thân, Khẩu, Ý của Phật; đây cũng là những yếu tố của Phật Tánh.
Và quan trọng là; trong mỗi chúng ta đều có phẩm chất tốt đẹp ở một mức độ nào đó; đó là bản năng bảo tồn nòi giống, bản năng làm cha làm mẹ, khả năng hành động và ảnh hưởng đến người khác; đây cũng là các yếu tố của Phật Tánh; bởi vì chúng chính là chất liệu để nuôi dưỡng tính thiện, lòng từ bi, sự quan tâm, cùng những hoạt động giác ngộ của một vị Phật.
Có thể thấy rằng; vì ai trong chúng ta cũng có chất liệu để trở thành Phật; cho nên, chỉ cần có động lực và nỗ lực bền bỉ thì sẽ đạt thành tựu giác ngộ; nhưng chắc chắn là không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà sẽ vô cùng gập ghềnh chông gai; con đường trở thành Phật rất dài và không dễ dàng; phải luôn tâm niệm, tự nhắc mình về những yếu tố Phật Tánh thì chúng ta sẽ tránh được sự nhụt chí; hãy tâm niệm rằng điều chưa tốt của bản thân không phải là vĩnh viễn; nếu chúng ta đủ Thiện Lương, đủ mạnh mẽ, tu tập theo những phương pháp thực tiễn và đúng đắn, cùng với lòng Từ Bi và Trí Huệ; thì chúng ta sẽ đạt được thành công.
Chúng ta hãy dùng ánh mắt Từ Bi và Trí Huệ để nhìn ánh nắng bình minh, nụ hoa chớm nở, em bé thả diều trên cánh đồng; hãy dùng đôi tai Từ Bi và Trí Huệ để lắng nghe tiếng chim kêu, tiếng lá hát, tiếng sóng vỗ bờ; những nét đẹp bình dị trong cuộc sống sẽ làm tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng, thanh tĩnh; để chúng ta càng tin rằng thế giới này, dù vô minh, dù phiền não, dù xảo trá lọc lừa, dù tham sân si…; cũng có thể đẹp hơn, nếu mỗi chúng ta biết yêu thương và biết Muốn Trở Thành Phật:
Tâm châu báu, Phước ngọc vàng;
Tâm Lương, Tâm Thiện, Phước càng bao la.
Diệu huyền Nhân Ái tỏa ra,
Hành trì Phật Pháp vang xa rạng ngời.
Từ Bi Trí Huệ mặt trời.
Chiếu soi muôn dặm nẻo đời đau thương.
Chúng sinh thoát khỏi tai ương,
Vô Minh tan biến, mở đường Thân Tâm.
Dưỡng dung Phật Tánh thậm thâm,
Nguyện tu thành Phật, thanh âm Bồ Đề.
Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ những bài viết trên trang Facebook của tôi! Tất cả chỉ là những hiểu biết của tôi, và tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân, để tôi lắng nghe, tiếp thu, vì tôi vẫn đang là người đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn.
Huỳnh Uy Dũng
Pháp danh: Tuệ Phước
Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!
Nhận xét/ Bình luận