Chúng ta đừng bao giờ phê phán hay chê bai cách nhìn nhận cuộc sống và cách xử lý vấn đề cuộc sống của cá nhân nào cả.
Ở thời đại Mạt Pháp, tức là thời đại của ma quỷ lộng hành; thời đại của tiền bạc vật chất, công danh quyền lực, dục vọng cuồng si…; thì con người chúng ta, mãi quay cuồng theo mối lo cơm áo, gia đình xã hội và nhiều mối bận tâm lo lắng khác; sẽ khó mà thoát khỏi cái vòng kim cô kềm kẹp; khiến cho con người ta cảm thấy bức bối, bị đè nén áp bức, chỉ muốn tự giải thoát ra, bằng cách này hay cách khác.
Tất nhiên tùy thuộc vào trình độ tâm linh của mỗi có nhân, thì con người ta sẽ tự tìm cách giải thoát cho riêng mình.
Người thì vô chùa xuống tóc tu hành để tìm sự bình yên và giải thoát; người thì chỉ vô chùa để cầu nguyện để vượt qua khổ ải; người thì tôn vị đại sư nào đó làm thầy và lắng nghe lời chỉ dạy, khuyên bảo, họ trở nên cộc cằn thô lỗ, nóng nảy mất kiểm soát, có thể nổi giận và gây gỗ, thậm chí đánh nhau, và thậm chí trở thành kẻ sát nhân; và tiêu cực nhất, có những người vì bi quan quá độ, không có cách nào giải quyết vô số vấn đề rối nùi như mớ bòng bong, thì họ chỉ chăm chăm tìm đến cách giải thoát bị chê bai nhiều, đó là cái chết…
Chúng ta không nên phán xét rằng, cách giải thoát của mỗi cá nhân là tốt hay xấu, người này hay ho kẻ kia kém cỏi, bởi vì, chỉ có chính họ, chính cá nhân người đó, mới thấu hiểu nhất nỗi đau mà họ đang gánh chịu; và chỉ có chính cá nhân người đó mới nhìn ra rằng họ nên hay là phải làm như thế nào, để mà giải thoát cho chính bản thân mình.
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, ai mà hiểu được mình hơn là chính mình hiểu mình chứ; ai mà có thể đau giùm mình hơn là chính bản thân mình nghe từng thớ thịt, từng tế bào đang đau đớn kêu gào; ai mà có thể giúp mình vượt qua nỗi đau khổ tột cùng mà mình đang đối diện chứ.
Cho nên đúng vậy, chúng ta đừng bao giờ phê phán hay chê bai cách nhìn nhận cuộc sống và cách xử lý vấn đề cuộc sống của cá nhân nào cả.
Vậy thì nếu có ai hỏi chúng ta là họ nên làm gì để mà giải thoát khỏi điều đau khổ mà họ đang gánh chịu; và thực tế là, dù tôi không phải là một vị đại sư hay là một nhà tư vấn tâm lý; có lẽ vì họ thấy ở tôi một cảm giác khiến họ tin tưởng và an tâm, đã kể cho tôi nghe rằng họ đang lo lắng hoặc đau khổ việc gì đó, và họ đã hỏi tôi là họ nên làm thế nào để giải quyết.
Bản thân tôi, một người làm công việc kinh doanh tất nhiên cũng không thoát khỏi việc đôi khi, không, nhiều lần chứ, cảm thấy bế tắc trước hàng ngàn nỗi lo và cảm thấy dường như đi vào tuyệt vọng; nhưng khi đó, các anh chị biết không, những khi cảm thấy tuyệt vọng nhất, tôi đã kiên định nhìn về hướng có hình ảnh của một vị mà tôi tôn làm thầy trong lòng mình, tôi kiên định nghĩ về những điều vĩ đại mà vị ấy đã từng làm, và tôi đã vượt qua được khó khăn khổ ải vướng mắc trong lòng; vị ấy, thưa các anh chị, chính là sự QUY Y.
Thế cho nên, khi tôi được ai đó tâm sự về điều họ đang bế tắc và đau khổ; và họ nên làm thế nào để giải quyết điều đau khổ bế tắc đó; với quan điểm của người học Phật, tôi đã nhận ra rằng quyền lực, của cải vật chất, danh vị, sự nghiệp, tiếng tăm, tôn giáo này hay tôn giáo khác, đều huyễn hoặc như mây khói, đều không thoát khỏi vòng Sinh Tử Luân Hồi và Nhân Quả; cho nên tôi đã khuyên họ là nên Quy Y.
Vậy thì, Quy Y là gì mà mầu nhiệm thế?
Xin thưa:
QUY Y: đó là một nghi lễ khởi đầu của Phật Tử đi theo giáo lý đạo Phật; vì chúng ta đang sống trong sự vô minh; bị Ngũ Dục mê hoặc, lôi kéo mà tạo ác nghiệp; thâm tâm bị ô trược trầm trọng do si mê; chúng ta cần nương tựa vào ánh sáng trí tuệ của Đức Phật mới đủ sức mạnh phá tan sự mê muội này.
QUY Y: Là quay đầu lại với cái thấy biết sai lầm của mình mà nương tựa về chánh tri chánh kiến, quay đầu với tất cả tâm ô trược mà về nương tựa với tâm thanh tịnh; đó là chúng ta đem đời mình trở về, cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc đời để học hỏi, sống tốt theo gương của Đức Phật, rèn luyện Tâm Tánh, thực hành Giáo Pháp; đó là chúng ta nương gửi để tìm cảm giác an toàn vào ba ngôi quý báu là Phật, Pháp, Tăng: ba ngôi Tam Bảo.
Đức Phật đại diện cho sự giác ngộ; diệt sạch mọi phiền não, mê mờ, đến nơi an vui giải thoát.
Pháp là lời dạy của Đức Phật; là con đường dẫn đến chân lý; giúp chúng ta làm theo hướng dẫn để bước đi đúng đắn trên con đường giác ngộ; dựa trên Tứ Diệu Đế của Đức Phật, Pháp được biểu tượng bằng bánh xe Phật Giáo, dạy chúng ta và người khác, dẫn đến sự giải thoát khỏi sợ hãi và vô minh, pháp nằm gọn trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận.
Tăng là cộng đồng phật tử hoặc những người có Tâm hướng về Phật; họ rời gia đình, hiến trọn đời cho đạo pháp; họ nguyện cùng học, cùng hành, cùng giữ giới luật của đạo Phật; họ thay Đức Phật hoằng truyền chánh pháp, cứu độ chúng sanh.
Chúng ta đừng quên rằng, mê nhiễm là do mình, Chính Giác và Tịnh, cũng là do mình; cho nên, người chân chính Quy Y là Quy Y với tự tánh Tam Bảo; đó chính là Giác và Tịnh.
Khi chúng ta Quy Y, chúng ta hướng về một vị thầy tốt, có đạo đức và học vấn để mà tiếp thọ sự dạy dỗ; người thầy đó sẽ đem cương yếu và nguyên tắc tu học của Phật Pháp để truyền thọ cho chúng ta.
Nếu đối diện trước Tam Bảo, tín đồ thành tâm phát nguyện, sẽ trở thành Phật Tử; Người Phật Tử, sau khi Quy Y và tuân theo Ngũ Giới, sẽ cầu được kiếp này và cả kiếp sau an lạc; có thể từ đây mà được sự an lạc cứu cánh của Niết Bàn tịch tĩnh; cụ thể, sẽ nhận được 8 điều lợi ích:
Thứ nhất, trở thành đệ tử của Phật;
Thứ hai, là nền tảng của việc thọ giới;
Thứ ba, có thể tiêu trừ nghiệp chướng;
Thứ tư, có thể tích tập phước đức to lớn;
Thứ năm, không đọa ác đạo;
Thứ sáu, người và phi nhơn không thể làm hại;
Thứ bảy, có thể thành công trong mọi việc lớn;
Thứ tám, có thể thành Phật.
Có thể nói, khi chúng ta Quy Y Tam Bảo, chúng ta sẽ còn nhận nhiều phước báu hơn là Xây Tháp cúng dường.
Một điều rất mầu nhiệm rằng: những người yêu quý Đức Phật, thấy giáo lý Đạo Phật hay và làm theo, thì đã là đệ tử của Phật rồi; bởi vì, trong mỗi con người chúng ta đều có Phật tánh.
Cũng là một điều rằng; nhiều người thích Giáo lý của Đạo Phật, thích đến Chùa, thích làm công quả; nhưng lại ngần ngại trước việc Quy Y Tam Bảo, đó là do những hiểu biết chưa đúng đắn.
Chúng ta cần hiểu đúng rằng: Quy Y là không có nghĩa là phải thường xuyên vào Chùa, phải ăn chay, tụng kinh gõ mõ, bỏ hết những việc của thế gian.
Chúng ta cần biết đúng rằng, khi chúng ta phát tâm Quy Y, sẽ có vị thầy làm lễ Quy Y và chứng minh trước Tam Bảo; vì thế chính xác là chúng ta chỉ Quy Y vào Tam Bảo, không phải Quy Y vị tăng nào.
Chúng ta cần hiểu đúng rằng: Khi học Phật Pháp, nhất định chúng ta phải học với một vị thầy, học đến lúc nào trí tuệ khai mở, có đầy đủ trí tuệ để phân biệt thực hư, chân vọng, đúng sai, tà chính; lúc đó chúng ta mới đủ năng lực rời thầy để theo học với các vị thầy khác, đồng thời có thể học rộng nghe nhiều.
Do chưa rõ những điều trên mà nhiều người còn cố chấp, phải tìm gặp cho được vị cao tăng có tiếng tăm mới chịu Quy Y Tam Bảo.
Còn một điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ; đó là Tạo Ác thì sẽ nhận Nghiệp Ác và Tạo Thiện thì sẽ nhận được Nghiệp Thiện; Luật Nhân Quả không phân biệt ai đó có phải là Phật Tử hay không.
Tuy nhiên, với người Quy Y, thì ít ra họ còn sợ tội lỗi, biết ăn năn sám hối và nguyện khắc phục; còn người không Quy Y học Phật, không tin hiểu Nhân Quả, làm sai mà tự mình không biết hay làm sai mà không ai biết rồi nghĩ mình hay, nên ngày càng lún sâu vào tội lỗi, thì quả báo còn nặng nề hơn rất nhiều.
Chúng ta cần biết rằng Phật Tử chân chính không Quy Y những chúng sanh không hình tướng hình hài như con người đang sống trên hành tinh, những ác thân làm tổn hại chúng sanh, những chúng sanh thần thông biến hóa, hai hình, không chân, nhiều chân… như Chủ Thiên, Chủ Thần, Quỷ Vật…
Chúng ta cần biết rằng Phật Tử chân chính không Quy Y các vị Thần Thất Tinh, Sao Hạn, Thần Sông, Thần Đá, Thần Đất, Thổ Địa, Ông Táo, Bà Táo, Quan Công, Bà Chúa Xứ, Thánh Anh La Sát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Tiên ở đình, đền, miếu mạo…
Chúng ta cần biết rằng, trong cuộc sống, con người ở thời kỳ đầu chưa hiểu được các hiện tượng tự nhiên, không biết được quy luật vận động và biến đổi tự nhiên, nên họ cho rằng tất cả các hiện tượng ấy đều do thần linh tạo ra; từ đó, họ thờ cúng thần linh, cầu mong sự che chở của thần linh; hơn nữa, sự bất công, bất bình đẳng trong đời sống xã hội đã khiến nhiều người phải chịu cảnh khốn cùng, khổ đau, lo âu và sợ sệt; trước tình cảnh ấy, họ không còn cách nào khác là cầu xin sự ban ơn cứu rỗi và sự che chở của các lực lượng siêu nhiên, của Thần Linh, Thượng Đế.
Cho nên Phật Tử đã Quy Y Tam Bảo, nhưng vì còn gần gũi thế gian, nên vẫn còn thờ cúng và tôn vinh ông bà cha mẹ quá thế, Cửu Huyền Thất Tổ, Thổ Công Thổ Địa, Thần Nông, Thủy Thần, Sơn Thần, Ngũ Hành, Tiên Sư, Quan Thánh, Thánh Trần Hưng Đạo, Miễu Bà, Ông Táo, Ông Địa, Mẹ Sanh Mẹ Độ, Ngọc Hoàng…; và những điều này không phải là điều cấm kỵ.
Vậy thì có thể nói rằng:
Chúng ta hiểu rõ ý nghĩa và sự mầu nhiệm của việc Quy Y, quyết định Quy Y, rồi thực hành đúng việc trở về và nương tựa, tức là chúng ta đã hạnh ngộ và tạo phước.
Chúng ta chưa có dịp hiểu hết và hiểu đúng ý nghĩa và sự mầu nhiệm của việc Quy Y tức là chúng ta chưa có Duyên Ngộ.
Chúng ta đã hiểu ý nghĩa và sự mầu nhiệm của việc Quy Y, rồi quyết định Quy Y nhưng liên tục phạm lỗi, không thực sự trở về và nương tựa tức là chúng ta đã tạo nghiệp.
Phàm về kết thúc bài nói chuyện về vấn đề Quy Y, tôi xin đọc tặng các anh chị bài thơ có tựa đề “Trở Về”.
Mẹ ơi! Con chẳng còn chi!
Ồ! Con còn cõi Quy Y tuyệt vời…
Con nương từng bước thảnh thơi,
Con nương từng bước Đạo – Đời, Xưa – Sau.
Tôi cảm ơn quý vị, quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ! Tôi thì ít học, hiểu biết của tôi chỉ tới đây thôi. Tôi chỉ mới đi vào con đường Phật Pháp. Tôi luôn mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo thêm của những người hiểu biết, những bậc cao nhân. Tôi luôn luôn lắng nghe, tiếp thu, vì tôi là người đang đi tìm con đường để giải thoát phiền não, tìm đường để quay về với tự tánh, với chính mình. Trân trọng cảm ơn quý vị, quý bạn bè.
Huỳnh Uy Dũng
Pháp danh: Tuệ Phước
Mời các bạn click vào để đọc trọn bộ Phật Pháp Ngày Nay của đại gia Huỳnh Uy Dũng tại đây!
Nhận xét/ Bình luận