Góc nhìn

Luân hồi

Hệ lụy buồn từ mê tín dị đoan trong tháng “cô hồn”

Tháng 7 âm lịch, ngoài lễ Vu lan báo hiếu thì còn được gọi là tháng “cô hồn”. Nhiều “ông cậu”, “bà cô” hành nghề bói toán đã lợi dụng thời điểm này đánh vào tâm lý mê tín dị đoan của một số người để trục lợi…

Dung và Hưng yêu nhau thắm thiết cho đến cách nay vài tuần, vì bất đồng nhiều chuyện mà họ liên tục cãi nhau rồi đòi chia tay. Trong khi Hưng cố gắng xa Dung trong nhẹ nhàng thì ngược lại, cô tìm đến nhiều thầy bói để xem quẻ và xin được giúp đỡ. Tại nhà một nữ “thầy” tên Tuyết ở xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu), Dung được “thầy” phán: Giữa hai người còn duyên nợ sâu nặng, chưa thể dứt được, mọi chuyện là do chàng trai bị “bỏ bùa” mà ra. 

Ngay lập tức, “thầy” đề nghị Dung đưa 4 triệu đồng để giải bùa và cúng cho tình yêu của Dung - Hưng đẹp lại như thuở ban đầu. Hai ngày sau khi nhận tiền, “thầy” Tuyết cho thêm Dung một lá bùa bỏ trong ví để “giữ” người yêu, đồng thời báo tin là đã làm xong mọi chuyện, trấn an Dung đợi trong vài ngày người yêu cô sẽ quay về. Thế nhưng, dù đã tốn kém 4 triệu đồng và chi phí cho hàng chục chuyến tới lui chỗ “thầy”, Dung vẫn nhận trái đắng là sự cương quyết cắt đứt tình yêu của Hưng.

Bùa trị yêu.
Cũng với chiêu trò tương tự, nhiều thầy bói đã “ăn nên làm ra” từ sự nhẹ dạ cả tin của những đôi nam, nữ đang yêu. Thậm chí có nơi còn ra giá hẳn hoi: bùa nói chuyện là 800.000 đồng, bùa “giữ chân” người yêu là 1,8 triệu đồng, bùa đòi được nợ là 1,5 triệu đồng …

Chính tâm lý bất an mỗi khi đến tháng 7 âm lịch đã kéo theo nạn xem bói, xả xui… với không ít hệ lụy. Hàng loạt người tìm đến những kẻ bói bài, lên đồng chỉ vì muốn biết vận hạn của mình ở tháng “cô hồn” và sẵn sàng ra giá để “giải hạn”. Nắm bắt điều này, các “thầy” bói toán luôn khẳng định người xem sẽ gặp xui rủi (tai nạn giao thông, mất tài sản, vong linh đeo bám…) nếu không kịp thời cúng kiến, hóa giải. 

Sau hàng loạt chiêu trò của các “thầy”, người xem lại móc hầu bao để được làm phép giải hạn, để “thầy” ra mặt cúng dùm các vong ở những ngã ba đường, để xin “lá phép” bình yên, may mắn, thành công… mang theo bên người. Nhưng rồi, kết quả vẫn là “tiền mất, tật mang” nếu không cẩn thận.

Cùng với nạn mê tín, việc e ngại rồi kiêng khem làm đủ thứ chuyện trong tháng “cô hồn” đã tạo nên nhiều cảnh dở khóc dở cười. Từ chuyện kiêng mua xe (sợ gặp tai nạn, mất xe) đến chuyện kiêng mua sắm đồ đạc trong nhà, quần áo và cả chuyện không được hớt tóc, không dám ra đường vào buổi tối vì sợ… các âm hồn đeo bám.

Thế nhưng, việc dân gian kiêng kỵ là do quan niệm “tháng ngâu” là tháng buồn bã, mất mát, chia ly, lại là tháng xá tội vong nhân nên nhiều người tập trung thờ cúng, cầu siêu cho những vong hồn. Cũng chính vì vậy, chuyện mê tín hay kiêng khem làm việc nọ việc kia chỉ là do tâm lý, hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Đạo Phật cũng dạy rằng, “tâm sanh tướng”, chỉ cần con người có cái tâm hướng thiện, làm việc thiện thì mọi việc sẽ tốt đẹp, hóa giải được những điều xấu. Vì vậy, nên hiểu rằng “xui” hay “hên” phần lớn là do bản thân mỗi người tự tạo ra mà thôi! Đừng vì thiếu hiểu biết, cả tin vào những lời đoán mò của các “thầy” mà để xảy ra những hệ lụy buồn, không đáng có…

Mai Đinh

Đường link:
http://baobaclieu.vn/toa-soan-ban-doc/he-luy-buon-tu-me-tin-di-doan-trong-thang-co-hon-32552.html